Sau khi lời phát biểu hùng hồn về tiêu chí chọn ban phụ huynh mang nặng tính kỳ thị người nghèo, người đơn thân của mình được tung lên mạng và nhận được sự phản ứng dữ dội của dư luận, bà Đào Thị Hồng Phượng - giáo viên trường THCS Yên Sở, tân Hội trưởng Hội phụ huynh trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã có clip xin lỗi về phát ngôn của mình.
Trong clip, bà Phượng nói: “Tôi thực sự rất ân hận và đáng bị cộng đồng lên án. Tôi xin cúi đầu nhận lỗi trước mọi người. Tôi biết mình sai và mong mọi người chấp nhận thành tâm của tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi đến các bậc phụ huynh có mặt trong buổi họp hôm ấy và với tất cả thầy cô giáo."
Bà Phượng bày tỏ: "Một lời xin lỗi có lẽ là chưa đủ với những gì tôi đã gây hiểu lầm và làm tổn thương những người kém may mắn, những người mà cuộc sống chưa hạnh phúc. Bản thân là giáo viên, tôi chưa từng coi thường bất cứ phụ huynh nào hay làm tổn thương những học sinh kém may mắn."
Người này cũng giãi bày: "Mong mỏi của tôi là có thể chọn được những người gương mẫu để làm tốt trọng trách của nhà trường mà thôi. Trong phát ngôn, có thể tôi đã không diễn đạt hết điều mình nói mà làm tổn thương mọi người, thành thật xin lỗi và mong được dư luận cảm thông”.
Bên cạnh việc xin lỗi, bà Đào Thị Hồng Phượng cũng gửi đơn xin rút khỏi hội phụ huynh trường Tiểu học Chu Văn An năm học 2019-2020.
"Không bao giờ tôi có tâm ý như thế. Có những lời nói như vậy là do tôi bức xúc về những việc ban phụ huynh nhà trường làm việc không hiệu quả, gây thiệt thòi cho các gia đình, học sinh. Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới mọi người", bà Phượng bày tỏ thêm.
Bà Đào Thị Hồng Phượng đã có những lời phát biểu mang nặng tính kỳ thị người nghèo, người đơn thân, người thiếu may mắn trong cuộc sống. Bà nói về tiêu chuẩn chọn ban phụ huynh: "Gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ' sẽ không được làm trong ban phụ huynh học sinh.
"Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình trước đã."
Đặc biệt, theo quan điểm của bà: "Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ. Hãy để người ta đi lo hạnh phúc của người ta, của bản thân người ta đi đã, và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con người ta được hạnh phúc..."
Bà nhấn mạnh: "Những người như thế chưa đủ tư cách thì không thể nằm trong BPH. Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức.
Người này đề nghị Ban giám hiệu phải xem xét về trích lục của bố mẹ như thế nào thì hãy để trong BPH được. "Chứ còn lệch bố lệch mẹ không ổn một chút nào." - bà nói.