Bao nhiêu tàu, thuyền đã bị “ăn chặn” phí hoa tiêu?
Như đã thông tin, gần đây trung bình một năm có khoảng 9.000 lượt tàu, thuyền ra vào luồng hàng hải Vũng Tàu; trong đó có những con tàu lớn nhất trên thế giới với trọng tải khoảng 157 nghìn tấn, vận chuyển 14.000 tues (container) hàng hóa. Chỉ tính riêng năm 2012, tổng doanh thu từ dịch vụ hoa tiêu Vũng Tàu đạt 62 tỷ đồng, nhưng vấn đề đặt ra là trong số doanh thu này thì có bao nhiêu tiền của khách hàng bị Vungtau Ship “ăn chặn”?.
Dấu hiệu “ăn chặn” phí hoa tiêu của khách hàng được dễ dàng nhận thấy kể từ vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Heung – A Dragon với tàu Eleni đêm 7/11 vừa qua. Thực tế, theo đề nghị bố trí hoa tiêu của Đại lý hàng hải VTOSA gửi Xí nghiệp hoa tiêu dẫn tàu Eleni từ Cảng thép Phú Mỹ đến phao số “0” Vũng Tàu, đại lý VTOSA đã phải trả cho Vungtau Ship 1.240,48 USD. Tại Hóa đơn GTGT số 0003424 ngày 6/11/2013 do Vungtau Ship xuất cho
VTOSA, thì số tiền 1.240,48 USD được tính với khoảng cách từ Cảng Phú Mỹ đến phao số “0” là 24 hải lý (51,6 USD/một hải lý). Thế nhưng, theo bảng kê khoảng cách của hàng hải luồng Vũng Tàu – Thị Vải, từ Cảng thép Phú Mỹ đến phao số “0” chỉ là 20,68 hải lý. Như vậy, đại lý hàng hải đã phải chịu thêm 3,32 hải lý và VTOSA đã phải trả thêm cho Vungtau Ship 171,3 USD/lượt tàu.
Cùng trong hóa đơn giá trị gia tăng nêu trên, VTOSA còn phải trả cho Vungtau Ship cả lượt phí hoa tiêu dẫn tàu Eleni từ phao số “0” vào Cảng thép Phú Mỹ và ngược lại, như vậy chỉ riêng hóa đơn này đã bị Vungtau Ship “ăn” hơn 243,6 USD.
Trong khi đó, trong vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Heung – A Dragon với tàu Eleni, hoa tiêu đã rời tàu từ vùng đón trả hoa tiêu số 1 (gần phao số 5) và khoảng cách này được xác định cách phao số “0” khoảng 5 hải lý. Trong trường hợp này, hoa tiêu dẫn tàu tiếp tục “ăn bớt” của đại lý VTOSA thêm 5 hải lý, tương đương 258 USD; nếu cộng cả hai khoản này thì đại lý đã bị mất 429,3 USD/lượt tàu!
Xem xét lại việc thí điểm cổ phần hóa
Thực tế, Vungtau Ship là mô hình thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH DN) có một phần hoạt động về hoa tiêu đầu tiên của Chính phủ và đã chính thức đi vào hoạt động được tròn một năm. Tuy nhiên, đến nay hàng loạt những sai phạm tại Vungtau Ship ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trước thực trạng đang diễn ra tại Vungtau Ship, các chuyên gia hàng hải cho rằng cần khẩn trương xem xét lại mô hình thí điểm CPH.
Ngay Cục Hàng hải Việt Nam cũng có nhận xét: Việc thí điểm CPH Vungtau Ship mới được thực hiện nhưng bước đầu đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại nhất định, nếu không có các giải pháp điều chỉnh kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh hàng hải, thiệt hại về con người, vật chất là rất lớn và hậu quả sẽ rất khó lường.
Việc CPH DN hoa tiêu hàng hải sẽ làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của DN từ bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia chuyển sang mục tiêu lợi nhuận của DN. Việc thay đổi mục tiêu sẽ dẫn đến thay đổi phương pháp quản lý điều hành, chế độ đãi ngộ, quyền lợi lao động đối với ngành nghề đặc thù và dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Cục Hàng hải đã đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng việc chính thức cho phép CPH tổ chức cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải. Mặt khác, để đảm bảo các mục tiêu theo quy định của Bộ luật Hàng hải và dịch vụ hoa tiêu, tổ chức hoa tiêu hàng hải nên là DN độc lập không kinh doanh các ngành nghề và dịch vụ khác mới có thể chuyên sâu, tập trung được nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ…