Để hoạt động tư vấn đạt hiệu quả cao nhất, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế đề nghị cần phải có sự đeo bám đến cùng. Những ý kiến đóng góp của Hội đồng phải được phản hồi, vấn đề gì được tiếp thu hoặc không tiếp thu cần được trao đổi lại rõ ràng. Chính vì vậy Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam phải theo dõi, đôn đốc, tránh tình trạng các cơ quan, tổ chức nói là tiếp thu nhưng thực tế không sửa đổi, bổ sung hoặc thực hiện.
Nhấn mạnh mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ của Hội đồng là làm thế nào để nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội hiệu quả hơn, GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát cho rằng việc nghiên cứu, tư vấn phải thiết thực. Đối với những vấn đề trong lĩnh vực kinh tế nổi lên cần có tiếng nói của UBTƯ MTTQ Việt Nam thì Hội đồng phải vào cuộc để có những tiếng nói tư vấn thực sự thiết thực.
Bên cạnh đó, các ý kiến thành viên của Hội đồng cũng đề nghị phối hợp khảo sát về thị trường, về chuỗi bán lẻ, chợ truyền thống, tập trung giám sát về giá cả các mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá điện...
“Về nguyên lý cơ bản, người mua hàng nhiều thì được giảm giá thành. Tiết kiệm có nghĩa là dùng không lãng phí. Nhưng ở đây không có để dùng thì không gọi là tiết kiệm. Tiết kiệm là dùng thỏa mãn nhu cầu rồi mới tiết kiệm, để năng lượng không cao... Giữ độc quyền và khống chế hoạt động của dân mà dân kêu nhất là về điện” -ông Lê Tiến Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn về kinh tế đề nghị.
Các đại biểu cũng đề nghị tổ chức Hội nghị tọa đàm chuyên đề trao đổi các giải pháp về phát triển kinh tế tập thể; về xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm Việt; Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về nhiệm vụ thời gian tới, PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế khẳng định, Hội đồng sẽ chủ động có những đề xuất cụ thể đối với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ đó lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm để tư vấn, giám sát, phản biện xã hội.
Trong năm 2020, Hội đồng Tư vấn về kinh tế sẽ tham gia xây dựng góp ý và phản biện xã hội đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, như tham gia góp ý và phản biện xã hội đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Hội đồng cũng sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Tư vấn. Để hoạt động tư vấn hiệu quả, bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với trách nhiệm của mình sẽ tập hợp đầy đủ những ý kiến đóng góp của Hội đồng, cũng như có sự đeo bám đến cùng để những ý kiến góp ý, phản biện này có sự phản hồi từ các cơ quan, tổ chức…
Tại Hội nghị đã công bố quyết định ra mắt Hội đồng Tư vấn về kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam làm Chủ nhiệm Hội đồng.