Sự xuất hiện trở lại của hương ước, quy ước đem đến cho công tác phổ biến pháp luật một “sức sống” mới. Tuy nhiên, muốn các văn bản này không trái pháp luật, được người dân đồng thuận cần có “cố vấn” của cơ quan Tư pháp ngay từ khi xây dựng.
Để hương ước thực sự được người dân ủng hộ, cần kiểm soát chặt tính hợp pháp của văn bản này. Ảnh: MH |
Kinh nghiệm từ Bát Xát
Nếu được cầm trên tay một bản quy ước của Y Tý, một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi rất nhiều quy định của pháp luật được diễn giải trong hương ước theo cách rất dễ hiểu dễ nhớ. Từ những chuyện rất đời thường như cấm sinh con thứ 3, cấm xả rác thải ra đường, cấm mở nhạc to giữa đêm khuya đến những chuyện làm đường nông thôn, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương… tất cả đều có trong quy ước.
Đặc biệt, là một xã có thế mạnh trong sản xuất thảo quả nhưng trước đây vì trồng cây, chăm sóc không đúng kỹ thuật, mỗi khi mùa vụ đến lại sợ bị trộm cắp nên người dân nhà nào nhà nấy tự thu hoặc đem ra chợ theo hình thức bán lẻ. Tuy nhiên, từ khi có quy ước, lại được hướng dẫn thêm kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, người dân đồng loạt chờ đến một thời điểm nhất định để thu hoạch. Sản phẩm làm ra cũng được bao tiêu bán tập trung cho các đầu mối thu mua. Năng suất và chất lượng thảo quả tăng từ 30- 40%, người dân rất đỗi vui mừng.
Thông tin từ Bát Xát cho biết: Nếu như trước năm 2000 việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc ở huyện này rất rườm rà, tốn kém, mất vệ sinh thì từ năm 2005 đến nay người Mông Bát Xát khi mất đã được đưa vào áo quan và chôn cất trước 48h; việc thách cưới của người Dao, người Dáy cũng đã giảm đi rất nhiều; những hủ tục lạc hậu như mời thầy cúng khi gia đình có người ốm, mê tín, dị đoan đã dần được loại bỏ. Các lễ hội của đồng bào dân tộc đã khơi dậỵ và phát huy được giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc.
Đến nay theo thống kê, 244/244 thôn bản của Bát Xát đã xây dựng được hương ước, quy ước, nhờ đó góp phần đẩy lùi các hủ tục, góp phần xây dựng đời sống văn minh, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Cần Tư pháp “gác cửa”
Trong điều kiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật còn nhiều khó khăn về nguồn lực con người, kinh phí như hiện nay thì việc xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước được coi là một hình thức nhiều lợi thế. Đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng theo đạo, vùng sâu, vùng xa nơi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, có một thực tế là còn tồn tại khá nhiều bản hương ước, quy ước không phù hợp với các quy định của pháp luật. Ví dụ quy định phạt tiền khi sinh con thứ ba, xe công nông vào làng phải nộp lệ phí, hay quy định phải làm vệ sinh đường phố nếu đổ rác không đúng nơi quy định… Đành rằng những quy định này không ngoài mong muốn thiết lập trật tự trong cộng đồng nhưng nó lại gây những phản ứng nhất định. Do vậy, để các hương ước, quy ước thực sự được người dân ủng hộ và chấp hành, nhiều địa phương đã “kiểm soát” chặt tính hợp pháp của các văn bản này ngay từ khi nó được khởi xướng.
Ở Bát Xát, UBND huyện giao Phòng Tư pháp, phối hợp với UBMTTQ, Phòng Văn hoá & Thông tin, Trung tâm dân số - KHHGĐ hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng hương ước, quy ước theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Hay như ở Đồng Tháp, việc soạn thảo hương ước, quy ước có cả một ban soạn thảo chắp bút, có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân, việc thẩm định tính hợp pháp của hương ước, quy ước này bắt buộc phải qua Phòng Tư pháp. Ở Thái Bình, khi soạn thảo hương ước, quy ước còn thành lập cả ban tư vấn… Những kinh nghiệm quý từ các địa phương giúp “thanh lọc” các quy định trái pháp luật nhưng vẫn gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương.
Giữ vai trò thẩm định trước khi ban hành hương ước, quy ước nhưng để thực hiện nghiêm các văn bản này cũng cần đề cao công tác hậu kiểm, tuyên truyền pháp luật cho người dân vì suy cho cùng thực hiện hương ước cũng là thực hiện pháp luật, nếu hương ước đó phù hợp với ý chí, nguyện vọng của người dân và hợp pháp. Thực hiện có hiệu quả các hương ước, quy ước cũng là động lực thúc đẩy thi đua làm kinh tế, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo…
Ở cấp huyện, Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc xem xét tính hợp pháp, loại bỏ những nội dung của hương ước trái với các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm kỹ thuật xây dựng hương ước. …Trong trường hợp phát hiện hương ước chưa được phê duyệt, Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin hướng dẫn để cơ sở thực hiện thủ tục phê duyệt. Trường hợp phát hiện có nội dung sai trái thì báo cáo để UBND cấp huyện tạm đình chỉ thi hành và hướng dẫn để chỉnh lý, hoàn thiện các hương ước đó. (Trích Thông tư liên tịch 03/2000/BTP-BVHTT- BTTUBTWMTTQVN hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư) |
Trung Nguyên