Công tác từ thiện xã hội là một trong những hoạt động nổi bật của Giáo hội, của Tăng ni, Phật tử. Công tác từ thiện tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động. Kết quả công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Tăng ni, Phật tử đóng góp, tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội với trị giá hơn 7.000 tỷ đồng.
Trong đó phải kể đến những đóng góp của Giáo hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cấp Giáo hội đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh thông qua hoạt động đóng góp nguồn lực cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19; ủng hộ Quỹ Vắc xin; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị y tế và hàng trăm tấn lương thực gạo, thực phẩm rau quả, hàng triệu suất ăn yêu thương trong vùng tâm dịch, hàng nghìn túi an sinh, bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch, các cây ATM gạo…, góp phần giúp cho người nghèo, người yếu thế vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhiều Tăng ni, Phật tử GHPG Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để chung tay chiến thắng đại dịch đưa cuộc sống trở lại bình an.
Tại Hội nghị, các vị giáo phẩm, chức sắc lãnh đạo Giáo hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các bộ, ban ngành Trung ương sớm thể chế hóa, tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội, như Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề… nhằm cụ thể hóa và áp dụng triển khai được trong thực tiễn các chủ trương của Đảng về “phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước bền vững” được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các ý kiến đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát truyền thông qua mạng xã hội để tránh hiện tượng xuyên tạc những hoạt động của Giáo hội tại địa phương và ngăn chặn việc các thế lực thù địch lợi dụng để truyền bá những luận điệu sai trái với phương châm hoạt động của Giáo hội...
Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng quà cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. |
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị chức sắc, giáo phẩm lãnh đạo GHPG Việt Nam; đồng thời đề nghị đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan, tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để hiện thực hóa những ý kiến, đề xuất, kiến nghị có ý nghĩa thiết thực, ích nước, lợi dân của các vị chức sắc, giáo phẩm lãnh đạo GHPG Việt Nam.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang chung sức đồng lòng thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời Giáo hội tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027, ông Lê Tiến Châu cho rằng, đây là thời điểm linh thiêng, quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, để phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo để thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc.
Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tiểu ban vận động và huy động xã hội của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, Phật tử cả nước đã đóng góp xứng đáng công sức của mình cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng, chung sức vượt qua đại dịch COVID-19.
Cùng với việc góp phần kiểm soát dịch bệnh, GHPG Việt Nam đã tuyên truyền vận động tăng ni, Phật tử thi đua lao động sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, các hoạt động nhân đạo từ thiện…, qua đó đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Ông Đỗ Văn Chiến mong muốn GHPG Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân” và phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực và xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới và hội nhập.