Phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023).

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Cách đây 60 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà.

Hai mươi năm sau, ngày 26/3/1983, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập và Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, GS.VS Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch đầu tiên. Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh của đội ngũ trí thức KHCN nước nhà, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.

Phát biểu Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta đã luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức.

Hơn 500 năm về trước, Đông các Đại học sĩ Triều Lê Thân Nhân Trung vâng mệnh của vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định vai trò đặc biệt cao cả và quan trọng của nhân tài trong công cuộc làm hưng thịnh cho đất nước: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp".

Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc"...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đã có tác động to lớn đối với việc giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra một không khí cởi mở và thổi một luồng sinh khí mới vào các hoạt động của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các hội KHCN.

Theo Tổng Bí thư, nhờ tích cực tham gia xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức KHCN nước nhà, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam để vận động, tập hợp trí thức KHCN trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân và đất nước.

Trong đội ngũ đó, có rất nhiều tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước và dân tộc, như: GS.VS.AHLĐ Trần Đại Nghĩa; GS Tôn Thất Tùng; GS Tạ Quang Bửu; GS Hà Học Trạc; GS.VS Vũ Tuyên Hoàng...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các trí thức- Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các tổ chức KHCN, đội ngũ trí thức KHCN nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần chủ động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác vận động trí thức trong tình hình mới, thể hiện rõ vai trò chủ công của mình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trí thức KHCN Việt Nam tiếp tục chủ động và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nước ta không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ Trung ương tới địa phương tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động và đóng góp cho sự phát triển đất nước. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn và các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho trí thức truyền bá kiến thức, hướng dẫn quần chúng nhân dân tiến quân vào khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường...

"Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ trí thức để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; nỗ lực đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trí thức; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc sự bình yên của nước nhà", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức KH&CN của cách mạng Việt Nam đã một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu, phấn đấu liên tục và đã có nhiều cống hiến, phát huy sức mạnh đoàn kết trong liên minh công - nông - trí vì sự nghiệp của Đất nước, của Dân tộc và Nhân dân đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước.

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức KHCN trong và ngoài nước. Từ những ngày đầu thành lập chỉ có 15 hội thành viên với số lượng rất ít ỏi, đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức trong số 3,7 triệu hội viên, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước; với 156 hội thành viên gồm 63 liên hiệp hội địa phương và 93 hội ngành toàn quốc; thành lập gần 600 tổ chức KHCN trực thuộc, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Vifotec, Nhà xuất bản Tri thức và Báo Tri thức và Cuộc sống.

Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nội dung cơ bản của hoạt động Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là kênh quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc lấy ý kiến để quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc. Trong những năm gần đây, mỗi năm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam triển khai khoảng 500 - 600 nhiệm vụ; trong 5 năm qua đã tư vấn, phản biện được khoảng 3.000 nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo báo cáo chính trị trình Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, KHCN, GD&ĐT, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng, các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KHCN. Liên hiệp hội từ Trung ương tới tỉnh, thành trở thành cầu nối tin tưởng giữa trí thức với Đảng.

Hoạt động KHCN với nội dung nổi bật là nghiên cứu ứng dụng. Nhiều cán bộ khoa học có năng lực, tuy đã nghỉ hưu, nhưng còn sức khỏe đã tích cực tham gia nghiên cứu ở các hội. Hằng năm có hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước cho tới cơ sở đã được thực hiện ở các hội và các tổ chức KHCN.

Công tác phổ biến kiến thức KHCN vào cuộc sống được đẩy mạnh, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ tới các hợp tác xã, các hộ gia đình, vùng sâu, vùng xa, góp phần tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, đã được nhân dân đánh giá cao về hiệu quả của hoạt động này...

TSKH Phan Xuân Dũng hứa với Tổng Bí thư, với Đảng là đội ngũ trí thức KHCN đất nước tập hợp xung quanh "mái nhà chung" là Liên hiệp Hội Việt Nam đã đoàn kết, đoàn kết thì càng đại đoàn kết hơn; đã thành công, thành công thì lại càng đại thành công hơn. Mỗi trí thức sẽ làm tròn bổn phận của mình đối với đất nước, dân tộc, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, tính đạo đức, lối sống theo truyền thống dân tộc.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương
Nhà báo Oliveira khẳng định chuyến thăm tới Brazil lần thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam rất coi trọng các cuộc họp đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, khi các nước đang phát triển nỗ lực thúc đẩy đoàn kết và hợp tác để tiếp tục phát triển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và góp phần xây dựng một thế giới ngày càng công bằng hơn...

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'
Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Chương trình.

Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Kỳ 2: Tháo gỡ 'điểm nghẽn', khơi thông nguồn lực​

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo. (Ảnh: CTTĐTQH)
(PLVN) -   Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng pháp luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế

Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của các Lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Tuấn Anh/Báo Quốc tế)
(PLVN) - Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực. Thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo đột phá về thể chế để phát triển ngành giáo dục

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hướng tới kỷ nguyên mới, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục.

Phải tiến hành đồng thời, thắng lợi quá trình 'đột phá kép'

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện thể chế... là những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng nay (15/11), tại Hà Nội.

Cân nhắc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 15/11. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Về đề xuất bổ sung cựu Công an nhân dân vào đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế chưa có điều kiện đánh giá kỹ tác động về đối tượng này. Do đó, việc bổ sung đối tượng này sẽ được thực hiện khi sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế.

'Chìa khóa' để Việt Nam vươn mình, bứt phá vào kỷ nguyên mới

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Vân Anh
(PLVN) - Sáng nay (15/11), tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.