Phát huy khối đại đoàn kết để kiều bào thực sự là “cánh tay nối dài”

(PLVN) -  Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam và là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Thời gian qua, công tác đại đoàn kết, vận động cộng đồng kiều bào hướng về quê hương, đất nước đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và coi đây là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nêu rõ yêu cầu có chính sách động viên và tạo điều kiện cho NVNONN hướng về quê hương tham gia xây dựng đất nước. Khuyến khích đồng bào đầu tư về trong nước, có chính sách thu hút, phát huy sự đóng góp của trí thức Việt kiều. Vận động đồng bào chấp hành tốt pháp luật ở các nước sở tại, đồng thời có biện pháp tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đồng bào…

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao, sau 20 năm kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của NVNONN trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao, công tác NVNONN ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tham gia mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, công tác đại đoàn kết, vận động cộng đồng hướng về quê hương, đất nước, thu hút nguồn lực NVNONN đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến NVNONN đã được xây dựng, ban hành, chế độ chính sách và khen thưởng đối với NVNONN có công trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước được tích cực triển khai, góp phần quan trọng động viên, khuyến khích kiều bào hướng về quê hương, tham gia đóng góp cho đất nước. Công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng Việt cũng đã ngày càng được chú trọng và đã có nhiều tiến triển tích cực, góp phần cơ bản xây dựng cộng đồng NVNONN hội nhập thành công và có vị thế ở sở tại.

Công tác quản lý lao động, du học sinh VNONN… tiếp tục được tăng cường, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực lao động, xuất nhập cảnh, con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài… được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NVNONN. Tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN đã được củng cố, kiện toàn đảm bảo sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương và Cơ quan đại diện VNONN.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2022.

Cộng đồng ngày càng lớn mạnh

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.

Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về kinh tế, tính đến hết năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Kiều hối liên tục tăng, năm 2021 đạt 18,1 tỷ USD2, tăng 5,2% so với năm 2020; đưa tổng kiều hối từ năm 2003 - 2021 đạt khoảng 187 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Khi đất nước gặp khó khăn, kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước. Điển hình, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, kiều bào đã quyên góp hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước. Về tri thức, nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn đóng góp cho những vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Ngoài ra, kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác đại đoàn kết đối với NVNONN vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; công tác thu hút nguồn lực NVNONN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, mới chỉ tập trung vào nguồn lực kinh tế mà chưa khai thác, phát huy được nguồn lực trí thức và nguồn lực mềm. Việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập vào xã hội sở tại còn gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính là hạn chế về nguồn lực và cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gặp nhiều khó khăn do cộng đồng hòa nhập ngày càng sâu vào xã hội sở tại và thế hệ trẻ giảm gắn bó với quê hương…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng kiều bào

Tại Đại hội XIII, Đảng ta yêu cầu tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của đồng bào trong và ngoài nước nhằm đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu mới, từ góc độ công tác NVNONN, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao cho rằng cần thiết có Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW; đồng thời cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII về công tác đại đoàn kết dân tộc và công tác NVNONN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đề nghị, đối với công tác NVNONN, Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc cần nhấn mạnh và thể hiện mục tiêu củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có NVNONN. Xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, phát triển, hội nhập thành công ở sở tại và hướng về quê hương, đất nước, đóng góp phù hợp theo khả năng, thế mạnh của mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo ông Phạm Quang Hiệu, công tác NVNONN cần đẩy mạnh thực hiện hai nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ và nhóm nhiệm vụ về vận động. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ, cần tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài hỗ trợ và chăm lo đời sống NVNONN, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế huy động, sử dụng và quản lý nguồn lực hỗ trợ cộng đồng… Về vận động, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện và thu hút kiều bào về nước đóng góp. Sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của chuyên gia, trí thức, doanh nhân NVNONN, tranh thủ tối đa nguồn lực của kiều bào để phát triển khoa học - công nghệ trong nước…

“Hai nhóm nhiệm vụ trên có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, hỗ trợ để vận động, vận động để hỗ trợ; do vậy cần được triển khai đồng thời. Theo đó, nhiệm vụ hỗ trợ cần thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo NVNONN; giải quyết các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của bà con. Nhiệm vụ vận động cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích kiều bào phát huy nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia - dân tộc, qua đó tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng NVNONN”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ.

Tình hình quốc tế, khu vực, cộng đồng NVNONN và những yêu cầu của đất nước, yêu cầu về việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước đã và đang đặt ra cho công tác đại đoàn kết với NVNONN những nhiệm vụ mới. Những tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đòi hỏi công tác NVNONN nói chung và công tác đại đoàn kết đối với NVNONN có sự đổi mới, thích ứng với tình hình. Về tình hình cộng đồng NVNONN, cộng đồng NVNONN tiếp tục lớn mạnh, thay đổi về thành phần, chuyển biến về tư tưởng. Thế hệ kiều bào thứ 2-3 sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít gắn bó với quê hương. Trong tương lai, kiều bào trẻ và số di dân mới sẽ trở thành nhân tố chính quyết định tới quan điểm, thái độ của cộng đồng.

Đọc thêm

Cần tái giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Bài 3: Bảo đảm thực thi đầy đủ các mục tiêu đề ra trong sắp xếp đơn vị hành chính

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long. (Ảnh: Nguyễn Thủy)
(PLVN) -  Để có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về thực trạng của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cả nước tính đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.

Cải cách thủ tục hành chính: Tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, công tác cải cách TTHC luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Hôm qua (26/11), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với 3 Bộ (Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông) và 8 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh) về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Chính thức áp thuế 5% đối với phân bón

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Chiều 26/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình hình tội phạm công nghệ cao

Đại biểu Dương Khắc Mai. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Ngày 26/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDT, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án… Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm vi phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao.

Một số chỉ tiêu công tác chưa đạt theo yêu cầu của Quốc hội

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/11. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Sáng 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Cần tái giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Bài 2: Giải quyết khó khăn trong sắp xếp đơn vị hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, nhất trí thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, TP. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, nhiều địa phương đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu nhất để việc sắp xếp đạt kết quả tích cực, thuận lợi cho hoạt động của đơn vị hành chính mới, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân. Việc sắp xếp kịp thời nhằm ổn định tổ chức bộ máy và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở. Tuy nhiên, qua thực tiễn sắp xếp cho thấy còn nhiều khó khăn trong triển khai.

Tổng Công ty Đông Bắc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Lãnh đạo BQP và các đại biểu tham quan các mô hình, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của TCty Đông Bắc. (Ảnh trong bài: Lam Hạnh).
(PLVN) -   Đột phá đổi mới, ứng dụng công nghệ vào phát triển sản xuất, TCty Đông Bắc nỗ lực xây dựng đơn vị trở thành doanh nghiệp (DN) top đầu Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, gắn với củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tuyên bố chung Việt Nam - Bulgaria

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev chụp ảnh chung, sáng 25/11. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024. Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững tại mỗi khu vực và thế giới.

Báo chí gặp khó vì thiếu quảng cáo

Phiên làm việc chiều 25/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vấn đề khó khăn nhất với các cơ quan báo chí không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà là thiếu quảng cáo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 24/11, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.