Hải Phòng có hai bảo tàng được xếp vào danh sách những điểm tham quan du lịch của thành phố là Bảo tàng Hải Phòng và Bảo tàng Hải quân với số lượng hiện vật phong phú và giá trị văn hóa, lịch sử to lớn. Tuy nhiên, các bảo tàng này nhiều năm qua vẫn trong tình trạng “chợ chiều”. Thực trạng này đòi hỏi những người làm công tác bảo tàng và các cơ quan chức năng của thành phố có cách nhìn khác để những hiện vật trong bảo tàng được thực sự phát huy giá trị...
“Kho báu” ngủ yên
Hệ thống các tư liệu, hiện vật của các bảo tàng này thực sự là kho báu. Chỉ tính riêng Bảo tàng Hải Phòng, số lượng hiện vật lên tới gần 20.000 (trong đó có 6 cổ vật quốc gia được đăng ký và gần 1.100 cổ vật với đủ các chất liệu), 18.000 phim ảnh, 2.000 hiện vật gốc và gần 10.000 đầu sách trong và ngoài nước. Bảo tàng Hải Phòng còn có bộ sưu tập các hiện vật quý giá thời tiền sử với các công cụ sản xuất, săn bắn… của người Việt cổ được tìm thấy ở di chỉ Cái Bèo (Cát Bà), bộ sưu tập gần 1 tạ tiền kim loại cổ các loại. Trong khuôn viên bảo tàng còn trưng bày súng thần công, bia ký, máy bay MIC 17 và chiếc tàu rà phá thuỷ lôi của Hải quân Việt Nam.
Bảo tàng Hải quân không chỉ là trung tâm văn hóa, mỹ thuật lớn mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử to lớn. Qua hệ thống các hiện vật, bảo tàng Hải quân đem tới cho khách tham quan những minh chứng sống động về những chiến công oai hùng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Mỗi hiện vật trong bảo tàng đều chứa đựng một câu chuyện sống động về tinh thần chiến đấu dũng cảm của những chiến sĩ hải quân.
Điều đáng buồn là tất cả giá trị to lớn vốn có của hiện vật ấy vẫn chưa tiếp cận được đến công chúng? Theo Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Hải Phòng, mỗi năm bảo tàng tổ chức từ 5 đến 7 chuyên đề trưng bày phục vụ các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước. Riêng năm 2010 là năm đại lễ với nhiều sự kiện trọng đại, bảo tàng tổ chức 10 chuyên đề, mở cửa các ngày trong tuần phục vụ du khách và nhân dân thành phố. Tuy nhiên, “cửa đóng then cài” là hình ảnh dễ thấy của bảo tàng do thường có rất ít khách tới thăm. Ông Phương cũng cho biết, đối tượng phục vụ chủ yếu của bảo tàng là học sinh các trường trên địa bàn thành phố, đến tham quan theo kế hoạch của nhà trường. Nhìn chung, các em tỏ ra không mấy hứng thú, mặn mà với bảo tàng. 9 tháng năm 2010, Bảo tàng Hải Phòng đón 23.000 lượt khách thì 70% trong số đó là học sinh. Bảo tàng Hải quân cũng trong tình trạng tương tự. Theo thượng tá Lương Văn Quý, Giám đốc Bảo tàng Hải quân, đối tượng học sinh chiếm tới 30% lượng khách tham quan trong khi người dân thành phố không mấy khi đến xem các trưng bày tại bảo tàng.
Phần lớn khách tham quan Bảo tàng là các em học sinh. |
Tư duy về bảo tàng: Cần thay đổi
Một nguyên nhân khiến các bảo tàng vắng khách là do công tác trưng bày quá cũ và đơn giản, thiếu tính sáng tạo, khiến công chúng dần… nản lòng với bảo tàng. Theo ông Phương, ngoài hình thức trưng bày, triển lãm bảo tàng Hải Phòng không còn hình thức nào khác để giới thiệu các hiện vật đến với công chúng. Thậm chí, sở hữu số lượng hiện vật khổng lồ nhưng các chuyên đề trưng bày của bảo tàng chủ yếu là… các bức ảnh. Bên cạnh đó, một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của bảo tàng chính là chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Đó là những người trực tiếp giúp khách tham quan hiểu một cách sâu sắc hơn giá trị của các hiện vật trong bảo tàng. Tại các bảo tàng ở Hải Phòng hiện nay, đội ngũ người thuyết minh, hướng dẫn còn rất thiếu. Bảo tàng Hải Phòng hiện chỉ có 2 người phụ trách công tác thuyết minh.
Một trong những vấn đề tranh cãi gần đây của giới làm bảo tàng cả nước là bảo tàng có nên có những hoạt động dịch vụ bổ trợ hay không. Điều đó cũng cho thấy sự thay đổi trong tư duy về hoạt động bảo tàng. Là một thiết chế văn hóa, khoa học giáo dục phục vụ công chúng, mọi hoạt động của bảo tàng đều lấy công chúng làm trung tâm. Khi nhu cầu của công chúng thay đổi, đa dạng hơn thì các loại hình hoạt động của bảo tàng cũng cần được thay đổi sao phù hợp.
Ngày nay, công chúng đến với bảo tàng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu về các hiện vật mà còn tìm đến bảo tàng như một điểm dừng chân, tham quan, mua sắm, chụp ảnh lưu niệm… Đó chính là cơ sở để chúng ta phát triển đa dạng hóa các hoạt động của bảo tàng để lôi cuốn du khách. Không những thế, việc tổ chức các hoạt động dịch vụ bổ trợ còn tạo điều kiện để các bảo tàng tăng thêm nguồn thu phục vụ trở lại công tác kiểm kê, bảo quản và trưng bày, giới thiệu tư liệu./.
Hồng Châm