Đi rà cá, phát hiện gỗ sưa
Khu vực phát hiện gỗ sưa là một ngầm đá ở bến Troóc trên sông Chày, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Từ sáng sớm 25/2, nhiều người ngụp lặn dưới nước dùng xà beng để nạy, tìm kiếm gỗ sưa.
Hai người phát hiện ra gỗ sưa ở ngầm đá này là ông Nguyễn Văn Thời và con trai Nguyễn Quang Huy, cùng trú tại thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch.
Trước đó, ngày 23/2, bố con ông đi rà bắt cá dưới sông Chày thì Huy xăm đụng một khúc gỗ. Hôm sau anh Huy lặn xuống, đẽo một miếng mang về đốt thử và ngửi thì chắc chắn là gỗ sưa nên chờ đến tối, gọi thêm người thân đi lặn vớt.
Do phác gỗ quá to, lại kẹt giữa ngầm đá, bùn đất, ngay cả xe cẩu, xích tời được thuê đến để kéo gỗ cũng không được. Phác gỗ sưa này được ước lượng đường kính khoảng 40 - 50cm, dài trên 2m, trị giá trên dưới 10 tỷ đồng.
Vẫn chưa trục vớt được gỗ sưa
Từ tối 24 đến ngày 25/2, hàng trăm người dân ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tập trung ở khu vực ngầm bến Troóc để theo dõi việc trục vớt gỗ sưa. Lực lượng kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình và Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cùng lực lượng Công an huyện Bố Trạch và Công an xã Phúc Trạch cũng có mặt tại hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự.
Phương án do ông Đặng Minh Hùng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình - đưa ra là lực lượng kiểm lâm cùng phối hợp với các lực lượng liên quan để bảo vệ hiện trường, thuê máy móc cùng cha con ông Thời trục vớt. Sau khi bán đấu giá tài sản theo quy định, sẽ hỗ trợ một khoản tiền theo quy định cho cha con ông Thời vì công phát hiện.
Chiều tối qua (25/2), ông Nguyễn Văn Hải – Phó trưởng Công an xã Phúc Trạch - cho biết: “Việc trục vớt phác gỗ sưa này chắc chắn sẽ không thực hiện xong trong ngày. Lực lượng phối hợp của kiểm lâm, công an, chính quyền xã sẽ được cắt cử ở lại để bảo vệ hiện trường và đảm bảo an ninh, trật tự 24/24h”.
Nguồn tin của PLVN cho biết, đại diện Huyện ủy, UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Phúc Trạch, kiểm lâm các cấp đã họp khẩn để thống nhất phương án giải quyết số gỗ sưa nằm dưới ngầm đá Troóc. Theo đó, cuộc họp thống nhất trong hôm nay (26/2), huy động các phương tiện cơ giới mạnh hơn để đưa được số gỗ sưa này lên bờ, đưa về cất giữ và bán đấu giá.
Trước mắt, chính quyền địa phương đang vận động và thỏa thuận đền bù cho người dân diện tích cây hoa màu sẽ bị hư hại khi di chuyển các phương tiện trục vớt vào bến Troóc; còn hai cha con ông Thời đã đồng ý nhận 1/3 giá trị của phác gỗ sưa sau khi được bán đấu giá.