Đó là trường hợp bà N.T.H, 57 tuổi, trú tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trước đó, trong thời gian dài, bà H bị đau tức ngực nhưng chưa đi khám. Gần đây, bà H đau tức ngực nhiều hơn kèm khó thở nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.
Kết quả khám lâm sàng và chụp CT-Scanner cho thấy có hình ảnh kén khí phổi khổng lồ trong phổi bà H, kích thước 13x7cm. Người bệnh được chỉ định nhập viện và chuyển Khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch để phẫu thuật cắt kén khí bằng phương pháp nội soi.
Sau 2 giờ, ca phẫu thuật thành công. 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh phục hồi tốt, ít đau vết mổ, phổi giãn nở tốt, vận động nhẹ nhàng, đi lại bình thường.
Bác sĩ Dương Xuân Phương – Phụ trách Đơn vị Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, kén khí phổi là bệnh thường gặp trong hệ hô hấp. Đây là hiện tượng giãn nở không bình thường của các tiểu phế quản nhỏ, dẫn đến hình thành các bóng khí ở bề mặt hoặc bên trong mô phổi. Bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên phổi. Nguyên nhân chủ yếu của kén khí phổi bao gồm: hút thuốc lá nhiều, các bệnh phổi mạn tính như: viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, xơ phổi, bệnh bụi phổi ...
"Khi kích thước còn nhỏ, kén khí phổi thường không gây triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, theo thời gian, kén khí sẽ phát triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm như: xẹp phổi, nhiễm trùng kén khí, chảy máu và phổ biến nhất là vỡ kén khí, dẫn đến tràn khí vào màng phổi. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng này có thể gây suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Do đó, khi có các biểu hiện đau tức ngực, khó thở, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời", bác sĩ khuyến cáo.