Do một hành tinh di chuyển quá gần ngôi sao riêng, bầu khí quyển của nó bị hút ra ngoài và tạo thành vệt đuôi giống như sao chổi.
Hình minh họa hành tinh có đuôi và ngôi sao riêng của nó. Ảnh: NASA. |
National Geographic cho biết, hành tinh HD 209458b được tạo nên chủ yếu bởi các loại khí. Nó cách trái đất khoảng 153 năm ánh sáng và có kích thước gần bằng sao Mộc. Hành tinh khí này nằm gần ngôi sao riêng đến nỗi một năm của nó chỉ gồm 3,5 ngày – ngắn hơn cả năm của sao Thủy (88 ngày).
Nhờ kính viễn vọng không gian Hubble, nhà thiên văn Cynthia Froning của Đại học Colorado, Mỹ cùng các đồng nghiệp phát hiện một vệt khí đang thoát ra từ HD 209458b và hướng về phía trái đất với tốc độ chừng 35.400 km/h.
Các nhà thiên văn cho rằng, do khoảng cách với ngôi sao riêng quá ngắn, các lớp khí của HD 209458b liên tục bị bóc ra ngoài bởi lực hút của ngôi sao riêng. Đó là nguyên nhân tạo nên chiếc đuôi giống như sao chổi của nó.
HD 209458b đang mất khoảng 36.000 kg vật chất mỗi ngày hay một tỷ lần khối lượng trái đất mỗi năm. Như vậy, về mặt lý thuyết nó sẽ biến mất vĩnh viễn sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, sự biến mất đó sẽ chỉ xảy ra sau chừng 1.000 tỷ năm nữa.
“Khoảng thời gian đó còn dài hơn cả vòng đời của ngôi sao riêng”, Froning nói.
Froning thừa nhận nhóm nghiên cứu chưa xác định được độ dài “đuôi” của HD 209458b. Họ cũng không biết vệt khí bắt đầu hình thành từ khi nào, song rõ ràng quá trình ấy đã tồn tại vài triệu năm.
Nguồn: VNExpress