Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 91 núi lửa nằm dưới lớp băng dày vĩnh cửu ở Nam Cực, gấp 3 lần số lượng dự đoán trước đây. Phát hiện này cũng đã phát vỡ ngôi vị đầu bảng mà Đông Phi nắm giữ bấy lâu nay về mật độ núi lửa nhiều nhất hành tinh.
Chính điều này đã biến Nam Cực trở thành nơi có khí lạnh khắc nghiệt nhưng hóa ra cũng là nơi “nóng bỏng” với mật độ núi lửa tập trung lớn nhất thế giới.
Có mật độ núi lửa dày đặc nhất thế giới
Kết luận này được nhóm nghiên cứu của Đại Học Edinburgh (Anh) đưa ra và gần đây được xuất bản trong một ấn phẩm đặc biệt của Hiệp hội Địa chất London. Họ cho biết, gần 100 núi lửa, có chiều cao từ 330 feet (100 mét) đến 12.630 feet (3.850 m), trong đó cao nhất là núi lửa Eiger với diện tích gần 4.000m nằm ở Thụy Sĩ.
Tất cả đều bị bao phủ bởi băng đá vĩnh cửu, có nơi dày lên tới 4km. Các núi lửa này phân bố dọc theo phía Tây Nam Cực - khu vực rộng lớn trải dài 2.175 dặm (3.500km) từ Biển Ross ở phía Nam đến bán đảo Nam Cực ở phía Tây Bắc.
Những ngọn núi lửa này đã được các nhà khoa học phát hiện bằng cách sử dụng một cơ sở dữ liệu có tên là Bedmap 2, trong quá trình tìm kiếm các điểm nhô ra trên bề mặt băng tại Tây Nam Cực. Tuy chúng ẩn dưới lớp băng dày của Nam Cực, Bedmap 2 sử dụng tín hiệu radar có khả năng xuyên qua địa hình để khảo sát và phát hiện các điểm nhô ra. Kết quả sau đó được so sánh với dữ liệu vệ tinh, thông tin địa chất, và dữ liệu phân tích từ nhiều nghiên cứu trong quá khứ.
Phát hiện thêm 91 núi lửa ở Nam Cực |
Được biết, ý tưởng tìm kiếm các ngọn núi lửa bên dưới tấm băng đến từ một sinh viên năm thứ ba tại Đại học Edinburgh, Max Van Wyk de Vries. “Nam Cực hiện vẫn là một trong những khu vực ít được nghiên cứu nhất trên thế giới và là một nhà khoa học trẻ, tôi rất vui khi được tìm hiểu về một điều gì đó mới và chưa rõ ràng. Sau khi khảo sát dữ liệu hiện có về Tây Nam Cực, tôi bắt đầu khám phá các dấu vết của núi lửa, khi nghiên cứu sâu hơn thì phát hiện ra gần 100 núi lửa dưới lớp băng”, Max Van Wyk de Vries, một sinh viên ngành địa chất tại Đại học Edinburgh, Scotland cho biết.
Tiến sĩ Robert Bingham, chuyên gia về sông băng, thuộc nhóm khoa học Đại học Edinburgh, đồng tác giả của nghiên cứu này nói rằng, việc phát hiện ra núi lửa có thể giúp họ hiểu được các hệ thống rạn nứt khác. “Sự hiểu biết tốt hơn về hoạt động của núi lửa có thể làm sáng tỏ tác động của chúng lên băng ở Nam Cực trước đây, hiện tại và tương lai, và trên các hệ thống rạn nứt khác trên thế giới.”
“Về cơ bản, chúng tôi đang tìm kiếm các bằng chứng về núi lửa bằng cách tìm các miệng núi lửa dưới lớp băng”, tiến sĩ Bingham giải thích. “Chúng tôi rất kinh ngạc và không nghĩ lại tìm thấy số lượng núi lửa nhiều tới vậy. Số lượng này gấp ba lần số núi lửa tồn tại ở Nam Cực theo tính toán dự kiến. Có thể nói đây là khu vực nhiều núi lửa nhất hiện nay, nhiều hơn cả phía Đông châu Phi với các ngọn núi nổi tiếng như Nyiragongo, Kilimanjaro và Longonot”.
Các nhà địa chất cũng cho biết, vùng đất núi lửa khổng lồ này có thể sẽ thấp hơn so với núi lửa ở khu vực Đông Phi. Ngoài 91 núi lửa mới phát hiện, cộng thêm 47 núi lửa đã biết trước đó trong khu vực, Nam Cực trở thành nơi có mật độ tập trung dày đặc nhất trên thế giới, đặc biệt là giữa thế giới băng giá, khắc nghiệt nhất thế giới. Tuy nhiên, có thể đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, rất có thể vẫn còn số lượng núi lửa nhiều hơn thế ẩn dưới thềm bằng Ross lớn nhất Nam Cực.
Nếu những núi lửa này bị đánh thức…?
Trước đây, các nhà khoa học từng cảnh báo về thảm họa dịch bệnh có thể bùng phát do các vi khuẩn gây dịch bệnh từ quá khứ được giải phóng do lớp băng ở Nam Cực tan chảy. Nhưng sau phát hiện mới này của các nhà nghiên cứu chúng ta lại có thêm một mối nguy hiểm tiềm tàng ở sâu dưới lớp băng lạnh lẽo ấy. Do vậy, điều cần nhanh chóng xác định ngay lúc này là: những núi lửa này hoạt động như thế nào?
“Chúng tôi không biết về lịch sử hoạt động trước đây của những ngọn núi lửa mới phát hiện này như thế nào. Những khu vực có nhiều núi lửa phun trào nhất thế giới hiện nay là những vùng vừa mới mất lớp băng bao phủ tự nhiên kể từ khi kết thúc kỷ băng hà như Iceland và Alaska. Lý thuyết là nếu không có lớp băng trên đỉnh núi lửa gây nên một áp lực lớn, nhưng nếu băng tan, áp lực giảm, không có điều gì đảm bảo những ngọn núi lửa này không bùng nổ và hoạt động tích cực hơn”, ông Bingham nói.
Nhóm chuyên gia cho biết, hầu hết núi lửa ở đây đều có hình nón, chứng tỏ chúng chưa bị băng giá làm xói mòn, và nhiều khả năng đây là những ngọn núi còn khá trẻ. Tuy nhiên tại thời điểm này, các nhà địa chất học không thể đánh giá mức độ hoạt động của các núi lửa. Nhưng nếu băng tan khi khí hậu ấm dần lên hoạt động núi lửa trong khu vực có thể tăng lên là điều đương nhiên. “Khi lớp băng phía trên tan đi, áp lực lên các núi lửa bên dưới sẽ được giải phóng, điều này có khả năng dẫn tới những vụ phun trào núi lửa”, Bingham cho biết.
Miệng núi lửa ở Nam Cực |
Chuyên gia về băng đá Robert Bingham cảnh báo thêm rằng, khi một núi lửa phun trào, nó sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm tăng nhiệt độ khu vực và khiến lớp băng tuyết tan chảy. Điều này sẽ kích thích sự phun trào tại các núi lửa còn lại, gây mất ổn định toàn bộ Nam Cực. “Nếu một vụ phun trào, nó có thể gây nên sự mất ổn định ở một số các tảng băng của khu vực, trước đó đã bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu. Bất cứ thứ gì làm băng tan chảy - như vụ phun trào núi lửa - đều làm tăng tốc độ tan chảy của băng đá xuống biển”, ông Bingham nói.
Được biết, băng tại Nam Cực vốn đã tan chảy với tốc độ nhanh khủng khiếp ở thời điểm hiện tại. Tháng trước, một tảng băng có kích thước lớn gấp 60 lần thành phố Paris đã bị tách khỏi đỉnh cực Tây Bắc của thềm lục địa Larsen C và nó sẽ dần dần tan vào biển.
Những sông băng trước đây được tảng băng này giữ lại giờ sẽ bắt đầu rơi xuống biển, làm gia tăng lượng băng bị mất. Nếu như giả thiết băng tan sẽ dẫn đến tần suất hoạt động của núi lửa tăng lên, thì sự tồn tại của gần 140 ngọn núi lửa ẩn dưới lớp băng của Nam Cực là điều không tốt một chút nào.
Phát hiện này là rất quan trọng, vì hoạt động của các núi lửa này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với phần còn lại của hành tinh. Hiện vẫn chưa chắc chắn về điều gì, nhưng việc phát hiện sớm những ngọn núi lửa sẽ giúp các nhà khoa học sớm tìm ra những giải pháp trong tương lai. Núi lửa đóng vai trò quan trọng về sự chuyển động của dòng sông băng hướng về đại dương.
Do vậy theo các nhà khoa học, tại thời điểm này việc giữ dòng sông băng tại chỗ và hạn chế khả năng chảy về biển là những yếu tố đóng vai trò chủ chốt về vấn đề băng tan ở Nam Cực trong những thập kỷ tới đây…/.