Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 với nhiều quy định mới, đặc biệt là mức xử lý rất nặng so với Pháp lệnh XLVPHC. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013.
|
Xử dụng điện thoại ở khu vực cây xăng thuộc nhóm hành vi bị xử phạt cao |
Thành phố trực thuộc Trung ương được xử phạt đặc thù
Theo Pháp lệnh XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2008, mức phạt tiền trong XPVPHC chỉ là từ 10 nghìn đồng đến tối đa là 500 triệu đồng tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và những lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.
Trong đó, mức phạt tiền tối đa đến 500 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi VPHC trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, chứng khoán, xây dựng, đất đai, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nghiên cứu, thăm dò và khai thác nguồn lợi hải sản, dầu khí và các loại khoáng sản khác.
Khác với Pháp lệnh, Luật XLVPHC đã phân định mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong xử phạt VPHC giữa tổ chức và cá nhân. Cụ thể, mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là từ 100 nghìn đồng đến 2 tỷ đồng.
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi VPHC là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. (Khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC) |
Luật cũng ghi nhận cơ chế xử phạt đặc thù của các thành phố trực thuộc Trung ương có thể quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong 3 lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội và chỉ áp dụng tại khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, HĐND thành phố trực thuộc Trung ương phải căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt do Chính phủ quy định và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của địa phương để quyết định khung tiền phạt hoặc mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi vi phạm trong 3 lĩnh vực trên.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng, quy định mức phạt tiền cao hơn (nhưng tối đa không quá hai lần) mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết để hạn chế tình trạng vi phạm. “Không ai muốn phạt cao làm gì, nhưng nếu xảy ra vi phạm nhiều quá chứng tỏ chế tài chưa đủ sức răn đe. Lưu ý rằng đây chính là đề xuất từ Đại biểu Quốc hội các thành phố đó” – ông Vinh nhấn mạnh.
Phòng cháy, chữa cháy phạt tăng gần gấp đôi
Nếu theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008, hành vi VPHC trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (ngoài các lĩnh vực sau: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quản lý và bảo vệ các công trình giao thông; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; lao động; đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa; kế toán; thống kê; tư pháp; bảo hiểm xã hội) thì bị phạt tiền tối đa đến 30 triệu đồng.
Còn theo Luật XLVPHC, cùng với 29 lĩnh vực khác (cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh), hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy bị phạt tiền tối đa đến 50 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với quy định của Pháp lệnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch lo ngại: Do chỉ dựa vào các hình thức xử phạt bằng tiền nên để đảm bảo tính răn đe, mức phạt có xu hướng bị đẩy lên quá cao, lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân. “Thử tính xem, khoản tiền đó bằng thu nhập bình quân của một người Việt Nam trong khoảng 50 năm, nếu họ không chi xài ăn uống gì cả! Chuyện quá vô lý. Như tôi đã phân tích, phạt tiền cao chưa chắc tỷ lệ thuận với tính răn đe cao” – ông Lịch bày tỏ.
Thục Quyên