Sự xích lại gần nhau giữa Pháp và Nga trong thời gian gần đây đã khiến một số thành viên trong Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại, nhất là vấn đề Nga muốn mua tàu chiến của Pháp. Gruzia, không phải là thành viên NATO nhưng đã xung đột vũ trang với Nga cách đây 2 năm, chỉ trích gay gắt quyết định của Pháp.
Làm thế nào để tránh làm mất các đồng minh trong khi vẫn mở rộng được quan hệ với Nga, với mục đích trước mắt là kinh tế, quân sự và chính trị, Paris đã làm như thế nào?
Hai ngày trước chuyến thăm Paris của Thủ tướng Nga Vladimir Putin (ngày 10/6), Tổng thống Gruzia, Mikhail Saakachvili, cũng ghé thăm thủ đô nước Pháp. Cái bắt tay mà Tổng thống Nicolas Sarkozy chìa ra với nhà lãnh đạo Gruzia mới nặng nề làm sao. Nhưng theo phía Pháp, cái bắt tay đó không có ý chống lại nước Nga, vì Tổng thống Sarkozy đã quyết tâm tiếp nối sự thành công ngoại giao của mình vào tháng 8/2008, đó là kêu gọi Moskva và Tbilissi ký vào bản kế hoạch hòa bình, từ đó giúp Gruzia tránh khỏi một đợt tiến công của quân đội Nga vào thủ đô Tbilissi. Giờ đây, vị chủ nhân điện Élysée lại muốn đóng vai người hòa giải, lần này là giữa cá nhân ông Saakachvili với điện Kremlin.
Mặt khác, đây là chuyến công du phương Tây đầu tiên của Tổng thống Gruzia kể từ sau cuộc chiến ngắn ngày giữa Nga và Gruzia. Để gặp được vị chủ nhân điện Elysée, ông Saakachvili đã phải chờ đợi 6 tháng do lịch trình của Tổng thống Sarkozy luôn dày đặc. Cuộc gặp này được Tổng thống Saakachvili yêu cầu ngay khi biết rằng, Paris đang có dự án bán cho Moskva tàu hàng không mẫu hạm Mistral, có khả năng xâm nhập chỉ trong vài phút bất cứ vị trí nào trên lãnh thổ Gruzia bằng đường biển hay đường không.
Tổng thống Sarkozy đã khẳng định với Tổng thống Saakachvili rằng Pháp sẽ không từ bỏ dự án buôn bán tàu chiến với Nga, nhưng ông cũng trấn an vị khách mời rằng việc Moskva muốn cô lập cá nhân Tổng thống Gruzia sẽ không dẫn tới đâu cả. Cuộc bầu cử vùng ngày 30/5 vừa qua đã cho thấy trên chính trường Gruzia, ông Saakachvili dường như không có đối thủ thực sự. Do vậy, Tổng thống Sarkozy hy vọng Moskva cũng hiểu được thực tế này. Nhà lãnh đạo Pháp còn nói đây là cơ hội để khởi động lại một tiến trình hòa bình tại vùng Kavkaz.
Mùa thu năm ngoái, một mảnh đất rộng 5.000m2 tại đây được rao bán, trụ sở cũ của Đài Khí tượng thủy văn Pháp. Nhiều người khi đó đã chen nhau để mua được vị trí đắc địa này, trong đó Arập Xêút muốn mua để xây trụ sở đại sứ quán mới, nhưng Nga đã giới thiệu một dự án gây ngạc nhiên cho dư luận Pháp: một nhà thờ Cơ Đốc giáo. Thực ra thì chiến dịch vận động hành lang cho việc xây dựng nhà thờ này đã được Giáo chủ Nga khi đó là Alexis II tiến hành từ năm 2007 và Tổng thống Sarkozy đã đồng ý trên nguyên tắc về dự án này.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Pháp François Fillon tại Paris ngày 10/6/2010. |
Tuy nhiên, một cuộc gọi thầu mảnh đất trên vẫn được tổ chức. Những sự kiện sau đó đã diễn ra nhanh chóng, ngay từ tháng 1/2010, phía Nga đã trả giá 70 triệu euro và Chính phủ Pháp đã đồng ý bán mảnh đất trên cho Moskva. Các cơ quan tình báo Pháp khi đó đã tìm mọi cách để ngăn cản việc mua bán này vì cho rằng mảnh đất này nằm cạnh nhiều cơ quan đại diện của nước ngoài tại Paris nên lo ngại khả năng Nga sử dụng nhà thờ này là vỏ bọc để hoạt động gián điệp.
Dự án cũng bị một số nhân sĩ trong chính quyền Pháp kể cả ở phủ Thủ tướng lẫn điện Élysée phản đối, nhưng Tổng thống Sarkozy đã quyết giữ lời hứa giống như ông đã khẳng định việc bán tàu chiến Mistral cho Moskva với Tổng thống Saakachvili. Trở lại buổi hội đàm với Tổng thống Gruzia, ông Sarkozy giải thích: "Nga là đối tác của Pháp và đã là đối tác thì phải tin tưởng lẫn nhau. Chấm hết".
Điều đó có nghĩa là liệu Tổng thống Sarkozy có sẵn sàng chuyển giao cả công nghệ chế tạo tàu chiến Mistral cho Nga đúng như phía Moskva đòi hỏi hay không? Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Putin đã không đem lại một câu trả lời dứt khoát về vấn đề này, nhưng hai nước không có ý định làm phật lòng nhau. Một giải pháp cho tình thế này là người Pháp có thể bán cho Nga tàu chiến Mistral nhưng 3 trong 4 chiếc sẽ không được lắp ráp ở Nga, đúng như Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev mong muốn, mà ở cảng đóng tàu Saint-Nazaire của Pháp.
Trong những năm gần đây, Pháp đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Nga, vượt qua cả Italia và Mỹ. Hiện tại có trên 3 tỉ euro của Pháp đầu tư tại Nga và 2 tỉ euro của Nga đầu tư tại Pháp. Theo giới quan sát Pháp, kết quả hợp tác Nga - Pháp kể trên là thành quả của bộ ba nhà cố vấn đặc biệt của Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Fillon: Jean de Boissieu, Igor Mitrofanoff và Jean-David Levitte. Cả 3 nhân vật này đều là người Pháp gốc Nga. Chính họ là tác giả của những hợp đồng lớn giữa Nga và Pháp trong thời gian gần đây, như việc tập đoàn Renault hợp tác với Tập đoàn AvtoVAZ của Nga hay hợp đồng bán tàu chiến Mistral.
Ngoài ra, ông Levitte có quan hệ cá nhân khá mật thiết với Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov, đồng thời rất ăn ý với Serguei Prikhodko, cố vấn quan hệ quốc tế của Tổng thống Medvedev. Chính ông Levitte cũng là người cung cấp cho báo chí nội dung cuộc trao đổi có một không hai giữa Thủ tướng Putin và Tổng thống Sarkozy vào tháng 8/2008. Theo đó, nhà lãnh đạo Pháp đã khuyên Thủ tướng Putin không nên "ăn thua" Tổng thống Bush và cũng không nên tấn công Tbilissi.
Phát biểu trong chuyến thăm Nga ngày 19/6, Tổng thống Sarkozy nhấn mạnh: "Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Bức tường ngăn cách Đông - Tây không còn nữa. Nga là một cường quốc, châu Âu và chúng ta đang có xu hướng trở thành bạn của nhau, chúng ta phải xích lại gần hơn nữa".
Theo antg.com.vn