Pháp phái quân đội bảo vệ hiện trường máy bay rơi tại Mali

Máy bay MD-83 của Swiftair trước khi gặp nạn. Ảnh Internet
Máy bay MD-83 của Swiftair trước khi gặp nạn. Ảnh Internet
(PLO) - Giới chức Pháp ngày 25/7 đã điều một đơn vị quân đội để bảo vệ địa điểm chiếc máy bay của Hãng hàng không Air Algerie rơi ở Mali với 116 người trên máy bay. 
Theo AP, một thông điệp được đăng tải trên trang web của Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 25/7 cho biết, mảnh vỡ của máy bay đã được xác định rõ dù máy bay đã bị vỡ nát. “Một đơn vị quân sự Pháp đã được cử tới khu vực để bảo vệ hiện trường và thu thập bằng chứng” - văn phòng của ông cho biết. Trong tuyên bố của mình, ông Hollande cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với những người bạn và gia đình của những nạn nhân trong vụ rơi máy bay.
Trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp cùng ngày, ông Hollande đã xác nhận về việc không còn ai trong số những người có mặt trên chuyến bay mang số hiệu AH5017 còn sống sót. Bên cạnh đó, ông này cũng thông báo quân đội nước này đã tìm thấy hộp đen có chứa các dữ liệu về chuyến bay và đang đưa hộp đen về thành phố Gao để phân tích.
Trước đó, các quan chức Burkina Faso cho biết đã tìm thấy thi thể người và những mảnh vỡ đã bị cháy tại một địa điểm cách biên giới giữa Burkina Faso và ngôi làng Boulikessi của Mali khoảng 50km. “Với sự đồng ý của Chính phủ Mali, chúng tôi đã điều một nhóm binh sỹ tới địa điểm đó và họ đã phát hiện mảnh vỡ của máy bay với sự giúp đỡ của người dân sống tại khu vực này” – Tướng Gilbert Diendere, một trợ lý thân cận của Tổng thống Burkina Faso Blaise Compaore, đồng thời là người đứng đầu Ủy ban khủng hoảng được thành lập để điều tra về vụ tai nạn máy bay thông báo. 
Chiếc máy bay MD-83 thuộc sở hữu của Công ty Swiftair của Tây Ban Nha và được hãng hàng không hàng đầu của Algeria thuê lại đã biến mất khỏi màn hình radar chưa đầy 1 giờ sau khi cất cánh sáng 24/7 theo lộ trình từ Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso tới Thủ đô Algiers của Algeria. 
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, các binh sỹ Pháp, vốn đã có mặt tại Mali từ tháng 1/2013 để truy quét các phần tử cực đoan có liên kết với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đang kiểm soát phía Bắc Mali, đã gia nhập cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của Air Algerie cùng với phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Mali. Các máy bay của Algeria cũng đã tham gia cuộc tìm kiếm. 
Theo hãng hàng không tư nhân Tây Ban Nha, chiếc máy bay chở theo 110 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, rời Burkina Faso tới Algeria lúc 01h17 GMT ngày 23/7. Trong số các hành khách, có 51 người Pháp, 27 người Burkina Faso, 8 công dân Lebanon, 6 người Algeria, 5 người Canada, 4 người Đức, 2 người Luxembourg, 1 người  Thụy Sỹ, 1 người Bỉ, 1 người Ai Cập, 1 người Ukraine, 1 người Nigeria, 1 người Cameroon và 1 người Mali. Theo Liên đoàn Phi công Tây Ban Nha, toàn bộ 6 thành viên trong phi hành đoàn đều là người Tây Ban Nha. 
Về nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Burkina Faso Jean Bertin Ouedraogo ngày 24/7 cho biết, các phi công đã gửi đi tin nhắn cuối cùng để đề nghị Trạm kiểm soát không lưu Niger đồng ý thay đổi lộ trình vì mưa lớn. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói với Đài phát thanh RTL rằng: “Máy bay đã bị phá hủy hoàn toàn trong khoảnh khắc khi bị rơi”, đồng nghĩa với việc khó có khả năng máy bay đã bị tấn công khi đang thực hiện đường bay của mình. “Chúng tôi nghĩ rằng máy bay bị rơi vì các lý do có liên quan đến điều kiện thời tiết, mặc dù cho đến thời điểm này chưa có giả thuyết nào được loại trừ” – ông Cazeneuve cho hay.
Vụ rơi máy bay nói trên là diễn biến mới nhất trong một tuần thảm họa của ngành công nghiệp hàng không thế giới. Hôm 17/7, một chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị rơi ở phía Đông Ukraine, với tất cả 298 người có mặt trên máy bay tử nạn. Ngày 23/7, một chiếc máy bay của Đài Loan bị rơi ở phía Tây Nam chuỗi đảo này, khiến 48 người thiệt mạng. Tiếp đó, ngày 25/7, những mảnh vỡ chiếc máy bay của Hãng hàng không Air Algerie cũng đã được tìm thấy, một ngày sau khi máy bay mất tích. Hy vọng còn người sống sót gần như không có. 
Trong bối cảnh này, AFP đưa tin, Hiệp hội Vận tải quốc tế (IATA) ngày 25/7 tuyên bố sẽ hành động. “Với 3 thảm kịch liên tiếp như vậy, nhiều người sẽ đặt nghi vấn về an toàn hàng không. Sự tôn trọng lớn nhất mà chúng ta có thể bày tỏ với những người có liên quan đến những sự việc này là lật lại không chừa thứ gì để tìm hiểu nguyên nhân của những thảm kịch và đảm bảo rằng điều này sẽ không lặp lại” – ông Tony Tyler, người đứng đầu Liên đoàn Hàng không toàn cầu tuyên bố. 
Ông Tyler cũng nói rằng, với việc ít nhất 460 người đã thiệt mạng trong 3 vụ rơi máy bay xảy ra trong vòng một tuần qua, số người tử vong vì các tai nạn hàng không trong năm nay đã vượt xa con số 210 của năm ngoái.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.