Năm 2015, Chính phủ đã đưa ra chuẩn của “giảm nghèo đa chiều” mà theo một cách dễ hiểu hơn là “giảm nghèo bền vững”, tức không để tình trạng tái nghèo và đặt việc giảm nghèo ở các chiều cạnh khác nhau. Như vậy, có nhiều sự tác động đến việc giảm nghèo và ngược lại là làm nghèo hoặc trong một bộ phận cộng đồng xã hội. Pháp luật cũng là một yếu tố.
Gần đây, cơ quan chức năng “ra tay” trấn áp tội phạm “tín dụng đen”. Loại tội phạm này khiến nhiều người trở thành nghèo và đã nghèo thì lâm vào tình trạng khốn quẫn. Pháp luật không kiên quyết loại trừ nạn “tín dụng đen” thì tỷ lệ người nghèo tăng lên là điều khó tránh khỏi.
Tương tự như vậy, tai nạn giao thông hàng năm cướp đi hàng ngàn sinh mạng hoặc bị thương tật, tổn hại sức khỏe. Những nạn nhân giao thông không chỉ là lực lượng lao động của xã hội mà nhiều người trong số họ là trụ cột gia đình, mất trụ cột đó, gia cảnh khó khăn, nghèo túng hiện diện ngay tức thì. Mới đây, một vụ tai nạn giao thông ở Phú Yên do đi làm sớm, sập ổ gà trên đường mà chết. Nếu pháp luật không xử lý nghiêm những người gây ra nguyên nhân tai nạn giao thông như đường sá hư hỏng, thi công không biển báo, đào đường vô tội vạ, cầu cống kém chất lượng,... thì số nạn nhân tăng lên và gia đình hộ nghèo đi.
Nạn phá rừng cùng với xây đập thượng nguồn vô tội vạ cũng đẩy bà con dân tộc thiểu số hoặc những người ở các vùng này lâm vào cảnh đói nghèo. Họ sống dựa vào rừng, khả năng tiếp cận các công việc khác rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc chiếm phần lớn. Pháp luật về bảo vệ rừng thì rất nghiêm ngặt nhưng những người thực hiện thì buông lỏng. Các vụ phá rừng, triệt hạ rừng đầu nguồn, chia chác và xâm lấn lâm phần, vi phạm pháp luật rất rõ ràng nhưng không được xử lý đến nơi, đến chốn. Dẫn chứng gần nhất là việc xâm hại rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội), chủ trương xử lý thì rất kiên quyết còn khi thực hiện thì… hoãn đi, hoãn lại.
Pháp luật không nghiêm dẫn tới việc xà xẻo, “ăn chặn” chế độ, chính sách của người nghèo, vô hiệu hóa sự hỗ trợ của xã hội đã khiến những hộ nghèo ngày càng nghèo một cách bền vững.
Pháp luật không chỉ là thanh gươm trừng phạt kẻ phạm tội, tấm khiên bảo vệ công lý mà có là lá chắn chở che người nghèo, đảm bảo cho họ một cuộc sống yên bình, lao động và hưởng sự công bằng để tự họ thoát nghèo.