Đọc tin này bỗng nhớ những dòng mà một bạn trẻ - một du học sinh đã viết trên blog của mình: “Nhà tôi ở gần Quảng trường Ba Đình. Trước kia, sáng nào tôi cũng đi tập thể dục và việc không thể thiếu trước khi ra về là dừng vài phút để chào cờ. Cảm giác hừng hực cháy lên ngọn lửa trong tim khiến tôi muốn vượt qua nhiều thử thách. Thật tiếc là bây giờ vì điều kiện học xa nhà mà tôi không còn được tận hưởng cảm giác như ngày nào ấy. Tin rằng vài năm nữa khi hết quãng thời gian học tập này tôi lại được trở về bên quảng trường xưa, được dự một buổi chào cờ. Nghi lễ chào cờ là một hành động phải trân trọng để gìn giữ lòng yêu nước trong mỗi con người”.
Trái ngược với những dòng tâm sự này là những hành động mải mê nghe điện thoại, đi tìm chỗ ngồi, thậm chí cho hai tay vào túi quần ghé tai tán gẫu với người bên cạnh… tại phần nghi lễ chào cờ ở các buổi lễ, hội họp. Rồi quốc ca, dường như không ít người Việt Nam đã quên mất hát quốc ca khi bằng chứng là trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, thể thao quốc tế, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên nhưng những công dân Việt chỉ đặt tay lên ngực và ngước nhìn, không có cái mồm nào mấp máy hát theo. Trong khi đó, rất nhiều quốc gia khác, từ công dân bình thường cho tới nguyên thủ đều cất cao lời hát với lòng thành kính, tự hào mỗi khi quốc kỳ của họ được kéo lên và quốc ca cất lời.
Quay lại với câu chuyện của luật pháp, tháng 10/2010, Hạ viện Philippine đã thông qua luật trừng phạt những ai hát sai quốc ca và không tôn trọng quốc kỳ. Luật quy định rõ mọi công dân phải hát quốc ca một cách nhiệt tình và nghiêm túc ở bất cứ nơi đâu quốc ca được xướng lên, và phải hát theo nhịp điệu gốc – nhịp quân hành của bài hát. Bất cứ ai hát sai lời hoặc sai nhịp đều bị coi là thiếu tôn trọng quốc ca, và có thể phải đối diện với bản án 2 năm tù hoặc mức phạt lên tới 100.000 peso tức khoảng 2.280 đô la Mỹ. Tác giả chính của luật trên, hạ nghị sỹ Salvador Escudero, cho biết điều này giúp tăng cường pháp chế hiện hành, thể hiện sự tôn trọng và thúc đẩy tình yêu quê hương đất nước. Còn ở Nhật Bản, có một trường học bị kỷ luật khi giáo viên và học sinh không hát quốc ca. Ở nước Anh, dư luận hết sức bất bình với một cầu thủ bóng đá nổi tiếng khi anh này không hát quốc ca…
Hiến pháp Việt Nam có những quy định rõ ràng về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô, ngày quốc khánh. Nhưng, ngoài những quy định đó ra thì vẫn rất thiếu một quy phạm quy định thế nào là việc làm tôn trọng quốc kỳ, quốc ca, quốc huy cũng như thế nào là hành vi xâm phạm và những chế tài phù hợp điều chỉnh hành vi đó. Thế nên mới nói rằng, với nhiều người quy định của Nghị định 28 cũng rất “nóng” rất kịp thời, so với những thứ đang “nóng” và “rất nóng” ở thời sự ngoài kia.