Hiệu ứng "hai trăm nghìn" đang tràn lan trên mạng xã hội. Hình phạt này vô hình trung đã khuyến khích cho những kẻ trâng tráo càng thêm trâng tráo, hứa đến xin lỗi rồi "ngại" không đến, thế mà không hiểu vì lý do gì mà cơ quan chức năng không can thiệp, bắt buộc người vi phạm phải làm điều đó.
Cũng chỉ bị phạt 200.000 đồng là hành vi sàm sỡ, cắn nữ đồng nghiệp đến chảy máu môi trong phòng làm việc tại công sở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị xảy ra trước đây chưa lâu. Không ít ý kiến đề nghị sửa luật, đưa hành vi quấy rối tình dục vào sự điều chỉnh của luật hình sự nhưng trước hết là nâng cao đạo đức công vụ của những người thực thi pháp luật.
Với các hành vi kể trên, xử lý theo quy định xử phạt hành chính "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng mà áp dụng với các trường hợp này có thể không hợp lý, hợp tình và bộc lộ sự lạc hậu của Nghị định ra đời năm 2013.
Xét ra, đây là hành vi dùng vũ lực nhằm thỏa mãn nhục dục, đối tượng bị xâm hại là phụ nữ, đâu đơn thuần là "cử chỉ, lời nói thô bạo". Hành vi này có đủ yếu tố của một sự "cưỡng dâm" nhưng ở mức độ thấp hơn mà thôi. Thực sự, đó là một vụ tấn công tình dục và cần xử lý theo pháp luật hình sự. Nếu cứ xử phạt như thế này, các vụ việc tương tự có thể sẽ còn tiếp diễn và điều đó không chỉ là sự bất an thường trực đối với riêng phụ nữ mà là sự bất ổn của toàn xã hội.
Tại một diễn biến khác, xảy ra ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang, một phụ nữ chặt cây đã chết trong vườn của mình, chặt cành của cây nhà hàng xóm chĩa sang mái nhà mình mà bị truy tố về tội "Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản". Lý do người hàng xóm là Trưởng phòng đô thị của huyện, ông ta làm đơn tố giác tội phạm và người phụ nữ kia bị truy tố hình sự.
Trước sự bức xúc, bất bình của dư luận và báo chí, Viện KSND huyện đã ra quyết định đình chỉ vụ án ngày 10/1/2019 nhưng cho đến nay quyết định đó vẫn chưa được gửi đến cho người phụ nữ suýt lâm vòng lao lý kia và các diễn biến mới đây cho thấy vụ việc chưa dừng lại.
Những vụ việc trên đây cùng với các diễn biến của vụ xâm hại tình dục bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội), đối tượng xâm hại được tại ngoại rồi lại bị bắt giam hoặc vụ cung cấp thịt bẩn cho trẻ em mầm non gây nên bệnh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh đang gây ra những mối lo ngại lớn cho cả cộng đồng xã hội, không chỉ là bản thân các sự việc đó mà là cách xử lý của những người có trách nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật. Pháp luật là thượng tôn và không nằm trong tay của bất kỳ ai. Chỉ có thế, pháp luật mới đủ sức mạnh là công cụ để duy trì trật tự xã hội!