Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa, Lãnh đạo của một số bộ, ban, ngành của Trung ương và gần 300 đại biểu là nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa. Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các cơ sở nghiên cứu về luật và lịch sử hàng đầu Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn.
TS. Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, TS. Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Cương, Q.Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đồng chủ trì Hội thảo.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Thành Long đã khái quát lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có những triều đại mà nhờ những nỗ lực cải cách quản trị quốc gia, đất nước phát triển đến đỉnh cao. Trong đó, có triều Vua Lê Thánh Tông. Trong số những thành tựu đặc sắc của triều Vua Lê Thánh Tông phải kể đến những thành công của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước để quản lý thống nhất quốc gia.
Quốc triều hình luật hay còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật nổi tiếng vừa thể hiện tính nghiêm minh khi trừng trị người có hành vi xâm phạm các giá trị nền tảng của xã hội, vừa đề cao tính nhân văn, nội dung đậm chất dân tộc, một mẫu mực về trình độ, kỹ thuật lập pháp, là một trong những ví dụ điển hình.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cho đến tận ngày nay, trong xã hội Việt Nam đương thời, vẫn còn lưu lại những dấu ấn đậm nét về kết quả sự nghiệp cải cách của ông trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều bài học của ông để lại cho hậu thế, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có thể nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại” có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. Hội thảo không chỉ là dịp để các thế hệ luật gia, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Đồng thời cũng là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách trị quốc an dân của Đức Vua, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước.
Các bài tham luận được trình bày và gửi tới Hội thảo cùng các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật, lịch sử và các lĩnh vực có liên quan, Hội thảo đã làm rõ thân thế, sự nghiệp Vua Lê Thánh Tông, một minh quân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta - ngài và triều đại của ngài đã để lại những di sản đặc biệt quý báu về xây dựng pháp luật và quản trị quốc gia. Về pháp luật, triều Vua Lê Thánh Tông đã để lại Bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức - một bộ luật nổi tiếng về tính nhân văn, nội dung đậm chất dân tộc, một mẫu mực về trình độ và kỹ thuật lập pháp.
Về quản trị quốc gia, Lê Thánh Tông đã thiết lập được bộ máy quản lý nhà nước khá hoàn bị, bảo đảm quyền lực được thực thi thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở, đồng thời chấn chỉnh chế độ quan lại theo nguyên tắc đề cao phẩm hạnh và thực tài. Triều Vua Lê Thánh Tông cũng đặc biệt nổi tiếng về chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài - “nguyên khí quốc gia”. Các tham luận và ý kiến tham gia tại Hội thảo cũng góp phần làm nổi bật nhiều tư tưởng đặc sắc của Vua Lê Thánh Tông, trong đó, phải kể tới tư tưởng trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương và trọng hiền tài trên nền tảng lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao.
Những giá trị và kinh nghiệm trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông gợi mở nhiều bài học trong quá trình hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thực hiện định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân và doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao các tham luận và các ý kiến tham gia đóng góp. Các ý kiến đều có giá trị thực tiễn cao, được chuẩn bị công phu, chi tiết và sát với thực tế. Các nội dung trong Hội thảo lần này phần lớn là sự chuyển tải tư tưởng của Vua Lê Thánh Tông. Đây là sự tiếp nối trong dòng chảy tư tưởng, dòng chảy văn hóa có sự chắt lọc tinh hoa các giá trị phổ quát vượt thời gian. Tư tưởng trọng dân, đức trị, pháp trị với yếu tố con người là quan trọng nhất, thiết lập một hệ thống pháp luật đồng bộ từ pháp luật nội dung tới pháp luật tố tụng, nhưng thường xuyên kiểm tra giám sát.
Ngoài những hệ tư tưởng liên quan đến pháp luật, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật đào sâu hơn về tư tưởng nhân bản dành cho các đối tượng yếu thế, các tư tưởng về bình đẳng. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp sau Hội thảo tổng hợp thành báo cáo chi tiết để gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan xây dựng pháp luật.
Đề nghị các nhà khoa học đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện cho việc xuất bản kỷ yếu, đồng thời đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí thông tin rộng rãi về kết quả của Hội thảo lần này. Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Luật và các cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp nghiên cứu để tăng thời lượng đào tạo những giá trị tư tưởng của Bộ luật Hồng Đức và các tư tưởng điển hình dưới thời Vua Lê Thánh Tông...