Đề xuất thay đổi cơ bản đối tượng được miễn thi
Thông tư 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan (Thông tư 12/2015/TT-BTC) đang được Tổng cục Hải quan xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định “Thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan” (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC), Ban soạn thảo đã đề xuất các sửa đổi khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC về trường hợp miễn thi.
Cụ thể, dự thảo đã sửa đổi quy định về các trường hợp miễn thi theo hướng bỏ các đối tượng được miễn thi quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (những người tốt nghiệp chuyên ngành hải quan, kinh tế ngoại thương, thương mại thuộc trường đại học, cao đẳng; giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc).
Thay vào đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC thay thế bằng đối tượng là “công chức làm việc trong ngành Hải quan giữ ngạch kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp sau khi không làm việc (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) được miễn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc”.
Theo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được tổng hợp ý kiến bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thay đổi các đối tượng được miễn thi sẽ tác động khá lớn đối với các đối tượng này khi muốn được cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, đồng thời gia tăng về thủ tục hành chính khi những đối tượng trước đây được miễn thi, nay phải thực hiện thi mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Cân nhắc về sự bình đẳng và giảm tải thủ tục
Trong văn bản góp ý dự thảo gửi tới Tổng cục Hải quan, VCCI cho rằng, những lý do để bỏ các đối tượng được miễn thi theo quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BTC dường như chưa thực sự thuyết phục, bởi sự bất bình đẳng giữa các đối tượng được miễn thi. “Ban soạn thảo cho rằng, việc giới hạn các chuyên ngành kinh tế ngoại thương, thương mại, hải quan gặp vướng mắc, vì “có nhiều trường hợp thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp các chuyên ngành khác như kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế… của các trường đại học ngoại thương, trường kinh tế quốc dân lại không được miễn thi… trong khi các ngành học nêu trên có các môn học và số lượng đơn vị học trình tương đương với chuyên ngành kinh tế ngoại thương hoặc thương mại quốc tế”.
Sự bất bình đẳng còn thể hiện ở thí sinh đăng ký đã tốt nghiệp các chuyên ngành kinh tế ngoại thương, thương mại quốc tế, chuyên ngành hải quan thì không bị giới hạn về số năm đã tốt nghiệp, trong khi giảng viên các trường đại học thì lại bị giới hạn về 03 năm kể từ ngày không làm giảng viên nữa” – VCCI nhận định.
Theo VCCI, vướng mắc trên có thể được giải quyết bằng cách không đặt ra giới hạn về thời gian giảng viên thôi không giảng dạy khi chuyển sang ngành, nghề khác và mở rộng chuyên ngành được miễn thi thay vì chỉ giới hạn trong 03 ngành như quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BTC. Đây là phương án mà Dự thảo vẫn chưa tính đến và đánh giá.
Còn với quan điểm rằng quy định làm phát sinh thêm thủ tục khi phải xác minh trường hợp thí sinh đăng ký dự thi không thuộc đối tượng được miễn thi 01 đến 02 môn thi không bị kỷ luật buộc thôi việc, trong trường hợp thí sinh từng là giảng viên trường đại học, cao đẳng, VCCI cho rằng, đúng là yêu cầu này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục xác minh, tuy nhiên cần đánh giá xem giữa thủ tục xác minh này với thủ tục thi tuyển cho đối tượng đáng lẽ ra được miễn thi thì thủ tục nào phức tạp và tốn thời gian hơn.
“Trong trường hợp được miễn thi, thí sinh sẵn sàng cung cấp tài liệu chứng minh mình không thuộc trường hợp bị kỷ luật thôi việc và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính trung thực của tài liệu này. Cơ quan nhà nước sẽ không phải tự mình đi xác minh và kiểm soát thông qua hậu kiểm” – văn bản của VCCI nêu.
Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, không có đánh giá, tổng kết nào liên quan đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những đối tượng được miễn thi trong thời gian qua, chứng tỏ, những đối tượng được miễn thi và có Chứng chỉ đủ khả năng để làm việc. Do đó, xác định các đối tượng này thuộc trường hợp miễn thi cũng không ảnh hưởng tới các mục tiêu quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Vì thế, đơn vị này đề nghị giữ nguyên hai đối tượng được miễn thi theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC, trong đó có điều chỉnh về các chuyên ngành được miễn thi và bỏ giới hạn về thời gian 03 năm kể từ ngày chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc của đối tượng là giảng viên, đồng thời bổ sung thêm đối tượng mới được miễn thi như đề xuất của Dự thảo.