Trước đây ở Việt Nam, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với chính quyền Trung ương được hình thành theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”, theo đó Nhà nước giữ vai trò điều hành, quản lý chung trong toàn lãnh thổ, chính quyền địa phương có nhiệm vụ phục tùng, thực thi mệnh lệnh của chính quyền Trung ương nhằm bảo đảm lợi ích chung của đất nước, bảo đảm chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên, sau khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, mối quan hệ giữa chính quyền các cấp đã và đang có sự thay đổi. Điều 52 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân”.
Theo đó, bên cạnh mục tiêu bảo đảm tính tập trung, thống nhất của quyền lực nhà nước, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với chính quyền Trung ương còn phải bảo đảm tính dân chủ, quyền chủ động, sáng tạo của địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyết định những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mình.
Nội dung cuốn sách bao gồm những nghiên cứu ban đầu của tác giả về phân quyền và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương... |
Trên cơ sở đó, các quy định về phân cấp, phân quyền đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu của cải cách hành chính, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền, khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực.
Để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của bạn đọc, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn chuyên khảo “Phân quyền và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.
Nội dung cuốn sách bao gồm những nghiên cứu ban đầu của tác giả về phân quyền và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhận dạng một số bất cập, hạn chế về mặt pháp luật, từ đó đề xuất một số giải pháp mang tính gợi mở cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp: Số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc số 200C, đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TP Hồ Chí Minh. Hotline: 0989819688.