Phát biểu tại phiên họp, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với việc Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Đại biểu Hoàng Văn Hữu (đoàn Bắc Kạn) đánh giá, những tỉnh, thành phố được thí điểm là những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi và rất nhiều dư địa cho phát triển, kể cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trong khi đó các quy định của hệ thống pháp luật hiện nay chưa thực sự thông thoáng để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động và bứt phá.
“Đây cũng là việc thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp vốn, nhanh chóng phát huy lợi thế sẵn có để thực hiện mục tiêu đưa 4 tỉnh, thành phố nói trên phát triển nhanh, bền vững. Từ đó có tác động lan tỏa ra các địa phương, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vùng cũng như cả nước nói chung”, đại biểu nói.
Ủng hộ Quốc hội thông qua các Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) kiến nghị, trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hiệu lực thi hành.
“Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, việc ban hành các Nghị quyết phải đi đôi với xây dựng cơ chế giám sát thực hiện, nhằm đảm bảo các Nghị quyết đã ban hành phải phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, không chỉ tạo ra động lực mới về vật chất mà con phải tạo niềm tin cho cử tri, uy tín cho Quốc hội.
Về các nhóm cơ chế, chính sách cụ thể, một số đại biểu đề nghị thận trọng trong quy định về chính sách chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh), việc các dự thảo nghị quyết trao thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên và đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ là giải pháp nhằm tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động, phản ứng nhanh, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nắm bắt thời cơ, cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, tạo bứt phá để phát triển.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh. |
“Đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất trồng lúa 2 vụ trở lên là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu để mất đi thì khó có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương phải hết sức quan tâm, thận trọng khi xem xét quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng 2 loại đất này. Tôi đề nghị Quốc hội phân quyền nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, có cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm, phải cá thể hóa trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương, các cấp ủy, HĐND trong việc thực hiện quyền Quốc hội giao”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phải xây dựng cơ chế thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, cân nhắc, quyết định khi không còn phương án lựa chọn nào khác.
“Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về cả kinh tế, môi trường, xã hội, có tính đến liên kết vùng, nhất là quan tâm đến sinh kế cho những người dân sống từ nghề nông, nghề rừng trên địa bàn”, đại biểu nói.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cho phép cơ chế nói trên nhưng quy mô thấp hơn, cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
“Cũng cần quy định trong thời kỳ 5 năm được chuyển mục đích mấy lần, tránh trường hợp xé lẻ ra nhiều dự án đầu tư mà không thông qua Thủ tướng hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) đề nghị nghị quyết cần nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở và căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí cả chế tài để thực hiện đúng, nghiêm, hiệu quả nghị quyết.
“Vì nghị quyết này ban hành, tôi cho đây không chỉ thách thức mà là cơ hội cho những người lãnh đạo, cho những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ dám làm. Nhưng đồng thời phải có thêm chế tài quy định trách nhiệm của người đứng đầu để khẳng định với các tỉnh, thành phố còn lại đây không phải là cơ chế xin – cho mà đây là phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) gợi mở việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Bắc Trung bộ nhằm tạo động lực cho cả vùng phát triển, theo kịp các vùng và khu vực khác trong cả nước.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng bày tỏ đồng tình với cách tiếp cận theo hướng tiến hành thí điểm trong khoảng thời gian 2021 – 2025 vì trùng với thời điểm đánh giá tổng kết trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, tạo thuận lợi cho việc đánh giá đúng thực chất cũng như nhân rộng mô hình cho các tỉnh.