Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành đến tử vong, dư luận bày tỏ sự xót xa, phẫn nộ. "Nhìn những vết thương trên người con mà thật xót xa. Chẳng hiểu sao, nhiều người lớn - với tư duy trưởng thành và đủ năng lực hành vi, vẫn cứ dạy trẻ theo kiểu "thương cho roi cho vọt".
Dù có áp lực, phiền muộn đến mấy, cũng đừng biến trẻ thành phương tiện để sai bảo, trút giận hay đánh cho sướng tay. Không thể chấp nhận được hành vi bạo lực trẻ, nhất là trong xã hội văn minh", anh Lê Hải Nam viết.
Là một bà mẹ đơn thân, đồng thời là một nhà giáo, bà T.H (giáo viên Ngữ Văn tại Nam Định) chia sẻ, nếu phẫn nộ với hành vi tàn nhẫn nghi của "mẹ kế" một thì sự dửng dưng của người bố còn đáng trách gấp mười.
Nhà giáo này cho hay, cô không hiểu tại sao người làm cha mà không bảo vệ con gái ruột của mình khỏi hành vi đánh đập của người tình. Vụ việc xảy ra trong thời gian dài, do đó, người bố không thể không biết. Theo nhà giáo này, đó chính là sự dung túng, thậm chí "tiếp tay cho hành động của quỷ dữ".
Chị H.A bức xúc: "Dì ghẻ hay là ác quỷ? Nếu vợ chồng chia tay... người bố không chăm lo và đủ yêu thương bảo vệ con ruột mình thì đừng có tranh giành quyền nuôi con với người mẹ. Đã không chăm sóc được con cái tử tế thì cũng đừng để con cái phải chịu đau đớn, rồi bị đánh đập tàn nhẫn như vậy. Mình ngã mình còn đau chứ nói gì cháu bé 8 tuổi với chi chít các vết bầm tím khắp cơ thể thế kia. Tội nghiệp con".
Bà H (58 tuổi), hàng xóm của bé A cho hay sau khi nghe tin, bà rất bức xúc và xót thương đứa trẻ tội nghiệp. Suốt mấy ngày qua, bà H không thể ngủ ngon giấc khi nghĩ đến hình ảnh bé V.A bị bạo hành.
"Tôi rất phẫn nộ trước hành vi vô nhân đạo, mất tình người của họ. Tôi chỉ mong pháp luật mạnh tay nghiêm trị những kẻ coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của một đứa trẻ”, bà H nói.
Chị Đoàn Thị Nga (Hải Phòng) bày tỏ, bé gái 8 tuổi tử vong nghi do "mẹ kế" bạo hành là sự việc gây ám ảnh và đau đớn. Cháu bé ra đi trước ngày Giáng sinh - khoảng thời gian đáng ra mọi đứa trẻ sẽ được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng. Bé ra đi cùng với những nỗi đau trên cơ thể bị hành hạ và sự lạnh lẽo, cô đơn trong lòng.
"Đau xót quá! Sống trong căn hộ cao cấp, nhưng bé lại chịu sự ghẻ lạnh, tủi hờn; thậm chí còn không được gặp mẹ ruột để nghe những lời vỗ về, yêu thương trong hơn một năm qua.
Tám tuổi - độ tuổi của sự hồn nhiên, ngây thơ, được sống trong sự bao bọc của bố mẹ, được học hành, vui chơi… thì cháu bé này phải sinh hoạt hàng ngày như một cái máy với danh mục việc nhà do nhân tình của bố giao.
Khoảng thời gian qua, chắc cháu bé phải đau khổ và lo lắng nhiều lắm mà không thể chia sẻ cùng ai. Tuổi thơ bé bất hạnh quá, mong bé sẽ an nhiên ở "thế giới" bên kia", chị viết.
Di ảnh bé V.A được người thân đặt dưới sảnh chung cư để tưởng nhớ bé gái. |
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em cho biết, bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành dẫn tới tử vong là một điều quá đau xót. Cháu bé bị bạo hành không chỉ ngày một ngày hai mà trong suốt hiều ngày, thậm chí cả năm.
Vì một lý do nào đó, những đứa trẻ khiến người lớn tức giận rồi bị nhận đòn roi và những lời xúc phạm, chì chiết. Lâu dần, những hành động bạo hành nhỏ biến thành lớn rồi trở thành những trận đánh đập gây thương tích thậm chí cướp đi sinh mạng người khác. Vậy khi đó, các cơ quan, chính quyền đoàn thể ở đâu?
“Chúng ta, người dù xa lạ hay thân thiết, hãy đứng ra bảo vệ những đứa trẻ, bảo vệ tuổi thơ của con. Thương xót, đồng cảm, đau đớn là điều nên làm nhưng chưa đủ. Khi biết vụ việc có dấu hiệu bạo hành, ngay lâp tức chúng ta thông báo với các cơ quan có thẩm quyền, những tổ chức liên quan, cấp thấp không được thì thông báo với cấp cao hơn. Chúng ta đừng làm qua loa mà phải làm quyết liệt, đến cùng, đến khi có người can thiệp, bảo vệ trẻ thì thôi”, Bác sĩ An nhấn mạnh.
Trong khi đó, ThS.Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập và điều hành một trường ngoại khóa cho biết, bé gái có thể đã tránh được cái kết đau lòng này, nếu người cha của em không thản nhiên xem việc người phụ nữ sống chung làm với con mình là điều bình thường; nếu ban quản lý khu chung cư nơi em sống không xem đó là "chuyện riêng của nhà người ta"; nếu trường học quan tâm đến đời sống tinh thần của học sinh trong giai đoạn học online hơn là chỉ lo chạy cho kịp chương trình, đủ kiến thức; nếu các đoàn hội, tổ chức không chỉ năng động trong hoạt động phong trào; nếu mỗi chúng ta không mặc nhiên chấp nhận và cổ vũ cho những quan niệm dung dưỡng hành vi bạo lực trẻ em như "con tôi đẻ ra, tôi có quyền", "thương cho roi cho vọt"…
Rất nhiều chữ "nếu" như thế, để chúng ta hiểu rằng, cái ác không tự nhiên xuất hiện, cần "cả một ngôi làng" để dung dưỡng và tiếp tay "âm thầm" cho thủ phạm mà rất có thể, chính chúng ta vô tình "góp mặt" trong đó.
Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Nạn nhân là cháu gái N.T.V.A (8 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) – con riêng “chồng hờ” của Trang.
Trước đó, khoảng 19h45 ngày 22/12, cơ quan chức năng nhận tin báo từ một bệnh viện (phường 22, quận Bình Thạnh) với nội dung tại bệnh viện có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã chết trước khi đưa vào bệnh viện.
Nhận tin báo, nhiều đội nghiệp vụ Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an phường 22 xuống bệnh viện ghi nhận lời khai những người liên quan, điều tra làm rõ vụ việc.
Kiểm tra thi thể, bác sĩ ghi nhận cháu bé có những vết thâm bầm lớn khắp nơi trên cơ thể, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ những vết thương đó, cơ quan chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong. Trang sau đó bị bắt vì nghi ngờ đến cái chết của cháu bé.
Nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang. |
Bác của nạn nhân cho biết bé V.A là một cô bé hiền lành, dễ thương. Từ sau khi ba mẹ V.A ly hôn, em trai của bé gái sống cùng mẹ, còn bé sống cùng ba. Dù ở chung một thành phố, nhưng V.A bị cấm cản không được gặp mẹ.
“Trong suốt thời gian ly hôn, cha của bé V.A cấm cản không cho em gái tôi gặp con, muốn gặp con thì phải gọi cho Tr (vợ sắp cưới), nhưng mỗi lần em gái tôi gọi thì đều bị từ chối. Đến khoảng tháng 12/2020, em gái tôi hỏi được người giúp việc về trường V.A đang học nên đã chạy đến tìm con. Gặp được nhau, hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Thấy mẹ khóc cháu đã nói: 'Mẹ đừng khóc, con không muốn mẹ khóc đâu, mẹ đừng làm con buồn. Mẹ hứa với con là mẹ đừng bao giờ khóc nữa”, anh Vinh ngậm ngùi chia sẻ.
Trong khi đó, hàng xóm của nạn nhân kể lại thường xuyên nghe thấy tiếng chửi bới, đánh đập trong căn hộ của bé V.A. “Ở nhà tránh dịch là gần như tuần nào tôi cũng nghe, ban ngày có, ban đêm cũng có, trước khi đi ngủ cũng có. Thời điểm đánh bất kể là lúc nào trong ngày. Có đợt là tối tối lại đánh, tôi không nghĩ là đánh con mà nghĩ là vợ chồng cãi nhau. Trong đợt dịch vợ chồng tôi làm việc tại nhà nên nghe chuyện đánh nhiều hơn. Tôi nghe không rõ tiếng bé la nhưng nghe ầm ầm, tiếng hai vợ chồng chửi nhau. Chuyện quen thuộc đến nỗi nằm ngủ biết chuyện gì sẽ xảy ra mỗi ngày, nhiều đến mức vậy luôn”, anh T kể lại.
Nhiều lần hàng xóm thấy bất ổn nên báo Ban quản lý. “Có người canh lúc bé đi đổ rác gặng hỏi “Con có bị đánh không” mà bé khẳng định là không. Rồi hỏi số điện thoại người thân khác bé cũng lắc đầu. Nhiều lần bảo vệ làm việc xong với gia đình này thì báo lại với cư dân là gia đình có đánh nhau nhưng giờ không có gì rồi”, chị K gần nhà bé gái cho biết thêm.