Khi các THPT công lập và ngoài công lập nô nức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì 20 trường TCCN ở Hà Nội đang “héo mòn” chờ thí sinh đăng ký.
Dù thời gian nhận hồ sơ đăng ký của các trường TCCN tại Hà Nội bắt đầu giữa tháng 4, nhưng đến nay, hầu như chưa có thí sinh nộp; mọi sự chú ý đều hướng vào kỳ thi tuyển vào lớp 10 diễn ra vào tháng 6 tới.
Thưởng “môi giới” học sinh
Để “hút” thí sinh, các trường TCCN phải đầu tư khá nhiều cho việc quảng cáo, tuyên truyền và tư vấn. Bà Nhâm Thu Lan, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ Anhxtanh, cho biết, trường dành tới 30% tổng doanh thu cho chi phí tuyển sinh (quảng cáo, tham gia các hội chợ việc làm…) nhưng số lượng hồ sơ nộp vào cũng không nhiều. Hiệu trưởng Trường TC Bách nghệ Lê Đình Xương cũng "bật mí": “Ai giới thiệu học sinh (HS) vào trường sẽ được thưởng 200.000 - 500.000 đồng. Chi phí dành cho quảng cáo, tuyên truyền cũng lên đến 300 triệu đồng một năm”. Có trường phục vụ HS đến “tận răng” như: chủ động tìm và đặt cọc tiền nhà, tạo việc làm cho HS sau tốt nghiệp...
Công tác phân luồng học sinh sau THCS còn yếu nên HS tốt nghiệp lớp 9 thường “ngó lơ” trường nghề. Ảnh: Trung Kiên. |
Nhưng dường như, việc tuyên truyền, quảng bá này vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với HS. Thậm chí, có nhiều trường THCS vẫn “mù” thông tin về việc tuyển sinh hệ trung cấp, nên việc tuyển sinh của nhiều trường TCCN vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm đầu tiên, Trường TC Công nghệ Anhxtanh chỉ tuyển được 70 HS lớp 9. Kết thúc học kỳ I, chỉ còn 50 HS. Sau một thời gian đầu tư cơ sở vật chất và quảng bá, năm tiếp theo tuyển được 253 HS nhưng cũng chỉ đạt 70% chỉ tiêu.
Trao đổi với PV, Hiệu trưởng THCS Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) Phùng Văn Mỹ cho biết: Mùa tuyển sinh, chỉ thấy các trường THPT dân lập đến quảng bá chứ không thấy trường TCCN nào xuất hiện để giới thiệu.
Học kém cũng không “thèm” trung cấp
Hiệu trưởng Lê Thiện Thuật (Trường THCS dân lập Lý Thái Tổ ở quận Cầu Giấy) trăn trở, dù nhà trường đã làm công tác tư vấn cho phụ huynh và HS nhưng vẫn khó thay đổi quan niệm về trường nghề. Cứ đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10, lại có nhiều HS bỏ thi vì học kém nhưng trước đó bị gia đình ép dự thi. “Cơ chế để phân luồng HS ngay từ THCS cũng chưa đủ mạnh, cộng với tâm lý dù có yếu kém, nhưng bằng mọi cách phải tốt nghiệp cấp 3 rồi muốn học gì thì học khiến các trường nghề rất khó tuyển”, thầy Thuật chia sẻ. Trường THCS Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) cũng không có HS nào đăng ký học trung cấp. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân nói: “HS kém thi vào lớp 10 không đỗ phần lớn đều bỏ học đi làm luôn”.
Theo ông Lê Đình Xương, năm 2008 - 2009, TC Bách nghệ chỉ tuyển được 70 HS (HS THCS chiếm 70%). “Đào tạo đối tượng tốt nghiệp THCS và những em đang học dở THPT rất khó khăn vì năng lực học tập thấp, tư cách đạo đức cũng chưa ổn. Năm nay, trường tuyển 120 HS tốt nghiệp THCS, với hy vọng giải quyết được cho những em học tập dở dang”, ông Xương chia sẻ.
Lý giải cho việc khó tuyển hệ trung cấp, ông Đoàn Xuân Tiến, Hiệu trưởng Trường TC Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng: “Nhà nước cần thay đổi chính sách, tiêu chuẩn tuyển dụng bởi vì tâm lý sính bằng cấp xuất phát từ việc tuyển dụng người lao động”.
Mặc dù năm học 2008 - 2009, Trường TC Kinh tế kỹ thuật Hà Nội I, quận Thanh Xuân) tuyển sinh vượt chỉ tiêu (tuyển được 200 HS, trong khi chỉ tiêu là 150), nhưng hiệu suất đầu ra chỉ đạt 60 - 70%, vì các em bỏ học nhiều. Hiệu trưởng Bùi Tố Thử cho rằng, việc tư vấn cho HS từ THCS lên TCCN chưa đầy đủ. Do vậy, học trung cấp được coi là bất đắc dĩ đối với một số HS. “Vì vậy, đề nghị Bộ GD - ĐT chỉ nên cho tuyển sinh đúng chức năng của cấp đào tạo, hạn chế chỉ tiêu trung cấp ở các trường ĐH, CĐ. Có như thế mới phân luồng hiệu quả HS sau tốt nghiệp THCS”, thầy Thử nói.
Theo Tuyết Nga
Đất Việt