Ảnh minh họa |
Theo Bloomberg, tỷ lệ sinh ở Phần Lan giảm từ đầu thập niên này và trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với đất nước này. Do vậy mà trong 80 năm qua, Chính phủ Phần Lan đã tặng mỗi đứa trẻ sơ sinh một thùng carton, gồm các vật dụng cần thiết như túi ngủ, nệm, quần áo ấm khi ra ngoài trời, đồ vệ sinh cá nhân. Tất cả đều có màu trung tính để phù hợp với cả bé trai và bé gái. Chiếc thùng này cũng được xem là chiếc giường đầu tiên trong cuộc đời một đứa trẻ. Dù có thể lựa chọn nhận 140 euro thay thế, 95% người sinh con lần đầu lấy nhu yếu phẩm vì chúng có giá trị hơn nhiều.
Khi đứa trẻ chào đời, Phần Lan cho phép các bà mẹ nghỉ 4 tháng được trả lương. Chế độ thai sản của các ông bố là 9 tuần với 70% lương. Nhiều ông bố chỉ sử dụng 3 tuần đầu tiên của kỳ nghỉ theo quy định, chỉ khoảng một nửa trường hợp nghỉ đủ thời gian cho phép. Thậm chí, ngay cả khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản, bố hoặc mẹ có quyền ở nhà, được trả 450 euro mỗi tháng và có thể đi làm trở lại khi đứa trẻ lên ba.
Thêm nữa, hầu hết phụ huynh Phần Lan, dù nghỉ ít hay nhiều, đều sẽ đi làm trở lại. Và khi đó, Chính phủ cung cấp dịch vụ trông trẻ với mức đắt nhất là 290 euro một tháng. Trong khi đó, so sánh với Mỹ, phí trông trẻ toàn thời gian tốn 85% giá thuê nhà trung bình của một gia đình và có thể đắt hơn việc cho con vào đại học. Ở London (Anh), mức phí trung bình khoảng 650 bảng mỗi tháng.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục thuộc hàng tốt nhất thế giới và chế độ nghỉ thai sản hào phóng cũng không giúp Phần Lan thoát khỏi vấn đề suy giảm dân số. Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, quốc gia này có tỷ lệ sinh giảm đáng kể trong thập niên qua. Theo đó, vào năm 2018, nó xuống mức thấp kỷ lục là 1,4 con/phụ nữ, trong khi 10 trước đó, tỷ lệ này đứng ở mức 1,85 con/phụ nữ. Do vậy, Chính phủ Phần Lan đang tích cực hơn nữa để cải thiện vấn đề này.
Kể từ năm 2013, mỗi em bé được sinh ra ở Lestijärvi, một trong những thị trấn nhỏ nhất ở Phần Lan, sẽ được chính phủ tặng cho 10.000 euro (khoảng 250 triệu) và được chi trả trong vòng 10 năm. Đây là một trong những chính sách ưu đãi được giới chức thành phố này áp dụng nhằm ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm và dân số đang bị thu hẹp, khi chỉ có một đứa trẻ được sinh ra hồi năm 2012. Và kể từ khi áp dụng biện pháp này, tỷ lệ sinh bắt đầu gia tăng, những em bé được sinh ra là một cú hích lớn cho thị trấn chưa đến 800 dân này.
Cặp vợ chồng ông Jukka-Pekka Tuikka, 50 tuổi và vợ là Janika, 48 tuổi đang được hưởng trợ cấp sinh con từ Chính phủ. Con gái thứ hai của họ là Janette, ra đời vào năm 2013, đúng thời điểm Chính phủ ban hành chính sách ưu đã sinh con và bé gái này được đặt một biệt danh hài hước: “Bé gái mười nghìn euro”.
“Chúng tôi đã có kế hoạch con thứ hai từ lâu, nhưng vì lớn tuổi nên kế hoạch có phần khó khăn. Do vậy, tiền bạc không quyết định nhiều đến ý muốn sinh em bé của chúng tôi. Tuy nhiên, chính sách khuyến khích sinh con của thị trấn được xem là một biện pháp quan trọng, cho thấy giới chức địa phương quan tâm đến việc hỗ trợ cho các gia đình trong việc sinh thêm con”, ông Tuikka nói. Hiện tại gia đình ông Tuikka đã nhận được khoảng 6.000 euro tiền trợ cấp và ông cũng tiết kiệm được hầu hết trong số tiền này và dự định sẽ sử dụng một cách có lợi nhất cho cả gia đình trong tương lai.
Giờ đây, không chỉ thị trấn Lestijärvi, một số thành phố khác của Phần Lan cũng đã đưa ra tiền thưởng cho việc sinh con, từ vài trăm cho đến 10.000 euro. Có thể thấy, sử dụng tiền để khuyến khích các gia đình có thể sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh ở một mức độ nào đó. Riêng ở thị trấn Lestijärvi, khoản trợ cấp 10.000 euro đã có tác động tích cực đến quyết định sinh con của một số cư dân. “Tuy chưa chắc chắn biện pháp có đủ để tạo nên sự bùng nổ về sinh sản hay không. Nhưng chính sách ưu đãi thai sản đã có ảnh hưởng đến thị trấn. Bước đầu, nó đã thu hút các gia đình ở lại thị trấn thay vì chuyển đi nơi khác. Một số gia đình khác đã thay đổi suy nghĩ và sinh thêm con”, ông Tuikka nói.