Sau khi nghe PV phản ánh có việc xe ben chở bùn nạo vét ô nhiễm ở công trình Rạch Lăng đi san lấp mặt bằng, ông Phú cho rằng: Dự án nạo vét Rạch Lăng là nhu cầu cấp thiết ở quận Bình Thạnh đã kiến nghị nhiều lần, theo Quyết định báo cáo kỹ thuật của Sở NN&PTNT. Nhà thầu tập kết đổ tạm trong quá trình chuyển đi tiếp theo ở khu vực đăng ký ở Bình Dương. Đơn vị vận chuyển sẽ có trách nhiệm vận chuyển về Bình Dương theo đúng hồ sơ đăng ký…
PV chất vấn, vậy rác chuyển về địa chỉ nào ở bình Dương và để làm gì? Ông Phú cho rằng chuyển về xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng để san lấp. Ông Phú cho biết “nếu có cơ sở việc đổ bùn sai nguyên tắc thì chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị thi công”.
Theo Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 09/9/2015 của UBND TP HCM, những phương tiện vận chuyển bùn thải phải được cấp phép lưu hành và chứng nhận kiểm định đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”. Trên xe phải dán chữ “Xe thu gom vận chuyển bùn thải”.
Tuy nhiên, trong thời gian PV đeo bám hàng chục xe ben vận chuyển bùn thải ô nhiễm ở công trình Rạch Lăng, không xe nào có dòng chữ như quy định, vì vậy khi vận chuyển trên đường bùn, nước rơi vãi ra đường mỗi khi xe lưu thông vào đường xấu.
Tại buổi làm việc, PV hỏi về tên đơn vị vận chuyển, đại diện nhà thầu không trả lời, mà một cán bộ Ban QLDA nói là do trực tiếp nhà thầu liên hệ, ở đây là Công ty Hồng An trực tiếp quản lý xe vận chuyển. PV đặt câu hỏi theo quy định xe vận chuyển bùn thải phải có giấy phép, những xe đó có giấy phép không? Đại diện Ban QLDA nói những xe đó là vận chuyển rác thì chỉ cập nhật biển số xe vào công trường.
PV cũng đã tiếp xúc ông Lê Quang Duy, PGĐ Công ty TNHH TM-DV Thi công Xây dựng cầu đường Hồng An. Theo ông Duy, những bãi đổ ở Bình Mỹ mà các xe ben vận chuyển bùn từ Rạch Lăng về đây đổ là đổ tạm, điểm chính là ở Dầu Tiếng (Bình Dương). PV “truy” nếu đổ tạm cũng phải có giấy phép, ông Duy trả lời “ban đầu tụi tui nghĩ bình thường, vì đường từ Rạch Lăng lên Dầu Tiếng 50km, nếu vận chuyển xa thì không kịp nên nhà xe đổ tạm ở đó, sau công trình sẽ vận chuyển lên bãi ở Dầu Tiếng, nhưng không ngờ họ san lấp”.
PV cho biết có đầy đủ bằng chứng đó là bùn chứ không phải rác. Lúc này ông Duy nói: “Đổ được nhiều ngày rồi rác nó biến thành bùn rồi chứ còn đâu nữa, tôi sẽ kiểm tra lại”.
PV tìm đến chi nhánh Công ty TNHH TM-DV thi công xây dựng cầu đường Hồng An (số 32 đường 5A khu dân cư Bình Hưng, Bình Chánh). Ông Nguyễn Xuân Hiệp (Giám đốc) cho biết Công ty ông trúng thầu dự án nạo vét Rạch Lăng, chiều dài 1,2km. Số bùn nạo vét hơn 33.760,18 m3 được vận chuyển về Đa Phước xử lý và “không nhớ phương tiện vận chuyển bùn thuê của ai”.
Mặc dù ông Hiệp trả lời không nhớ, nhưng PV cũng có được một hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa bên A là Công ty TNHH xây dựng Lâm Anh Thư (quận Bình Thạnh). Bên B là Công ty TNHH đầu tư xây dựng TM Đại Phước Thành (ngụ quận 12). Theo nội dung mà hai bên ký kết, bên A thuê bên B vận chuyển đất nạo vét kênh Băng Ky đến Đa Phước với giá là 160.000đ/1m3.
Tuy nhiên, người điều hành đoàn xe ben đến lấy bùn nạo vét mang đi san lấp cho biết, ông nhận được hợp đồng san lấp mặt bằng và đến đây lấy bùn và được trả thêm 25.000đ/1m3. “Nhận san lấp mỗi xe 20 khối giá 1,4 triệu đồng, lấy bùn ở đây được trả thêm mỗi khối 25.000đ, vì vậy cứ có hợp đồng san lấp là có tiền”, người này cho hay.
Theo Hợp đồng bên A thuê bên B vận chuyển đất nạo vét kênh Băng Ky đến Đa Phước với giá là 160.000đ/1m3, nhưng chủ thầu chỉ phải trả cho bên vận chuyển số bùn này đi san lấp với giá 25.000đ/1m3 thì lời khủng.