“Tự cảm” bao gồm 60 tác phẩm hội họa, điêu khắc. Triển lãm kéo dài tới 11/01/2024. Những khán giả yêu nghệ thuật có thể thường thức từ 9:30 - 18:00 hàng ngày tại không gian nghệ thuật V-Art Space.
Tại triển lãm, hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, ông nghe tiếng Phạm Văn Hạng từ 30 - 40 năm trước. Phạm Văn Hạng là người biết vượt qua để sáng tạo những cái thích và cái không thích. “Phạm Văn Hạng là tấm gương bền bỉ, lâu dài. Ông liều lĩnh trong nghệ thuật. Chúng tôi thì rụt rè. Ông có con người cá nhân, con người nghệ thuật. Ông nhìn thấy hai con người này trong chính mình”, hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng nhận xét thêm.
Một số tranh, tượng tại triển lãm của Phạm Văn Hạng |
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, không khiêm tốn mới là Phạm Văn Hạng. Phạm Xuân Nguyên nhắc lại lời của nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez, khiêm tốn là thừa đối với người nghệ sĩ.
Tranh của Phạm Văn Hạng có màu sắc lộng lẫy |
Nữ họa sĩ Văn Dương Thành coi Phạm Văn Hạng là bậc thầy của mình. Phạm Văn Hạng có tình cảm sâu sắc với văn nghệ sĩ trí thức, khi ông tạc nhiều tượng họ. Tranh của Phạm Văn Hạng có màu sắc lộng lẫy, rất tự do. Bản thân nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành đã giới thiệu tranh Phạm Văn Hạng đi nhiều nước trên thế giới. Phạm Văn Hạng không những truyền cảm mà còn cô đọng được cảm xúc và làm rung động người xem trong các tác phẩm của mình. Phạm Văn Hạng có năng lực tuyệt vời, biết chia sẻ tất cả yêu thương của mình cho mọi người.
Nhà văn Vũ Thư Hiên (ngồi xe), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cùng các văn sĩ - trí thức đến dự triển lãm của Phạm Văn Hạng. Ảnh Vũ Gia Hà |
Có mặt tại triển lãm, Họa sĩ Ba Tỉnh tâm sự: “Tôi đi dự tranh anh Hạng từ 10 năm trước. Lần này, anh Hạng đưa nhiều tượng, tranh từ xa ra Hà Nội thì thật khủng khiếp. Tôi ấn tượng với tượng của anh làm ở Quảng Ninh trước đây, đó một trong những bức tượng có nhiều ý kiến trái chiều. Những người không thích trước đây giờ đã thích. Những người khó tính nhất đã thừa nhận. Tôi muốn đổi tranh của tôi lấy tranh của anh Hạng. Treo tranh của anh Hạng như là niềm tự hào của tôi. Phạm Văn Hạng cứ dũng cảm, kiêu căng để sống với tuổi già của mình”.
Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 tại Nam Ô, Đà Nẵng. Ông từng tổ chức các cuộc triễn lãm: Trừu tượng (sơn dầu) tại Huế 1967; Siêu thực tại Nhà Văn hóa Pháp (Sài Gòn 1971); Tranh tượng tại Hội Việt - Mỹ (Sài Gòn 1973); Tự họa tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hà Nội, 1989); Mộng và Thực tại Gallery Tự Do (TP. Hồ Chí Minh, 1999).
Phạm Văn Hạng cũng từng giành được các giải thưởng: 10 năm Điêu khắc Việt Nam (1984-1994); 10 năm Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (1985-1995); 2 năm Kiến trúc Việt Nam (1994-1996); Tượng đài 23-9 TP. Hồ Chí Minh (1997); Giải nhất tượng Bác sĩ Yersin Đà Lạt (2003); Văn học - Nghệ thuật Sài Gòn, Hội họa (1973).
Phạm Văn Hạng cũng là đồng tác giả của công trình Cầu Rồng (Đà Nẵng). Công trình này được báo chí quốc tế tôn vinh là một trong 8 cây cầu trang trí đẹp nhất trên thế giới.
Đánh giá về Phạm Văn Hạng, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng viết: “Bây giờ, tôi đã hiểu vì sao bạn bè dành cho nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đủ tên gọi, đủ biệt danh thân thương: kẻ lao lực, gã rong chơi số 1, ông già gân, người chạy sô không mỏi, gã khổng lồ hồn nhiên, người của hoa và đất…”.