Có đi ra nước ngoài mới ý thức rằng: trời đất cho Việt Nam nhiều thứ để giàu mà các nước khác trên thế giới mơ ước. Dễ nhận ra là trước tầm mắt mỗi người đâu đâu cũng có màu xanh. Khí hậu 4 mùa, vừa nhiệt đới, vừa ôn đới; đặc biệt mùa đông của Việt Nam, có lẽ thế giới không nước nào có, bởi đó là mùa của sản vật nông nghiệp.
Vậy mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân chưa bao giờ giàu. Nguyên nhân là tầm nhìn, vốn, công nghệ, xác lập chuỗi giá trị trong nông nghiệp chúng ta còn hạn chế. Dẫu “nghị quyết tam nông”, chính sách “4 nhà” có từ rất sớm.
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi cho các bộ, ngành, lãnh đạo 15 tỉnh, TP phía Bắc đến dự lễ nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam: “Tinh thần kiến tạo của Chính phủ mới trong nông nghiệp là gì? Và cho biết đây cũng là câu hỏi, điều trăn trở mà “chúng tôi suy nghĩ trong đầu năm mới này”.
Qua rồi thời kỳ, các đoàn “nườm nượp” ra nước ngoài học tập bằng tiền ngân sách nhưng không “giải” được gì cho đất nước. Qua rồi, thời kỳ đến dự lễ động thổ, khánh thành chỉ để “vỗ tay” và lấy quà. Phải đặt ra được các câu hỏi và trả lời như Thủ tướng trăn trở.
Đối với nông nghiệp Việt Nam, công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản - là kế hoạch hành động, nếu muốn lọt Top 15 nước có nền nông nghiệp tiên tiến vào một ngày không xa như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.
Việt Nam có nhiều thứ để giàu, chỉ riêng trong nông nghiệp, nếu biết làm. Câu chuyện “hơi choáng” là ngày 11/7 năm ngoái, một công ty thuộc Tập đoàn Xuân Thiện ký hợp đồng với Tập đoàn năng lượng tái sinh Shuuwakikaku (Nhật Bản), độc quyền cung cấp cho thị trường Nhật Bản 400 triệu tấn sản phẩm sinh khối (biomass) từ cây siêu cao lương, trị giá 50 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2038.
Đây là loại cây sinh trưởng ngắn ngày, tạo ra sinh khối lớn và phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, khí hậu, dùng để sản xuất sản phẩm viên nén sinh khối, dùng làm nhiên liệu sạch để đốt thay thế cho than đá. Siêu cao lương là cây trồng dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn như khô hạn, thiếu nước tưới hoặc đất đai cằn cỗi; thu hoạch 3 lần trong năm, với khối lượng chất xanh lên tới 300 - 400 tấn/ha. Từ cây siêu cao lương, Tập đoàn Shuuwakikaku đã tạo ra sản phẩm nhiên liệu biomass với nhiệt lượng lên đến 6.000 – 6.500 kcal/kg, hoàn toàn đủ điều kiện để thay thế than đá.
Thế đấy, họ tìm ra những thứ rất quý, Việt Nam thừa khả năng.
Chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, thân thiện môi trường; từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị - đó là con đường đi để chúng ta giàu, ngay từ “hạt lúa, củ khoai”.