Bà Phạm Thị Cúc, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, trao đổi những vấn đề liên quan đến DN chính thức tự chủ trong in ấn và sử dụng hóa đơn:
- Thông tư 153 quy định rất rõ ràng về các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng tự in hóa đơn, gồm các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất kinh doanh; DN có mức vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên...
Tất cả các đơn vị được tự in hóa đơn, trước khi tạo hóa đơn phải ra quyết định áp dụng gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Quyết định này gồm các nội dung chủ yếu, như tên hệ thống thiết bị, kỹ thuật hoặc tên nhà cung ứng dịch vụ, trách nhiệm của từng bộ phận trực thuộc liên quan trong nội bộ tổ chức, mẫu các loại hóa đơn cùng với mục đích sử dụng.
Các tổ chức, cá nhân dùng hóa đơn đặt in, thì được mặc định đặt in, không cần thông báo hay xin phép. Tuy nhiên, phải gửi thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 5 ngày trước khi bắt đầu sử dụng, và trong 10 ngày kể từ ngày ký thông báo phát hành, nếu không hóa đơn sẽ trở thành vô giá trị. Thông báo này gồm các nội dung liên quan đến đơn vị phát hành như tên công ty, địa chỉ, mã số thuế, tên hóa đơn, chữ ký của người đại diện, dấu của đơn vị… Nếu không thực hiện việc thông báo phát hành này, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt từ 1-20 triệu đồng.- Nhiều ý kiến băn khoăn là DN thường thay đổi địa chỉ, trong khi quy định phải in sẵn địa chỉ Cty khiến, nếu mỗi lần di chuyển lại phải in hóa đơn mới sẽ rất lãng phí. Việc giải quyết lo ngại này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Hóa đơn có in sẵn địa chỉ nhưng chưa sử dụng hết, khi có sự thay đổi địa điểm, thì tổ chức, cá nhân có thể đóng dấu địa chỉ mới vào bên cạnh địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng. Ngoài ra, các DN lớn có nhiều đơn vị trực thuộc có thể in chung một mẫu hóa đơn dùng cho tất cả các đơn vị này với tên DN được in sẵn phía trên bên trái của tờ hóa đơn. Khi phát xuống sử dụng tại từng công ty thành viên thì các cơ sở này sẽ đóng dấu hoặc ghi tên, MST, địa chỉ để sử dụng.
Trên thực tế, không phải hoạt động giao dịch hàng hóa dịch vụ nào cũng cần xuất hóa đơn với tất cả các nội dung quy định như chữ kí người mua, dấu của người bán… Thông tư có quy định riêng về các trường hợp này hay không?
Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký của người mua, dấu của người bán đối với các loại: hóa đơn điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in. Hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán. Trên các loại tem vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
- Vậy còn những trường hợp bắt buộc phải xuất hóa đơn nhưng người mua không yêu cầu và cũng không cung cấp thông tin thì người bán phải giải quyết ra sao?
- Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế, thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, MST”. Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.
- Xin cảm ơn bà!
Lan Uyên (thực hiện)