Hướng tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, từ số báo này, Báo Pháp luật Việt Nam mở Chuyên mục "Góp ý vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng", chọn lọc và đăng tải các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng; Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Chuyên mục được khởi đầu bằng bài viết của PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương về những điểm mới bổ sung quan trọng trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011).
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011):
Hội nghị Trung ương 12 khoá X đã thông qua toàn văn dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), công bố lấy ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của Quốc hội và ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
1. Về tên gọi Cương lĩnh:
Hội nghị Trung ương 12 khoá X đã nhất trí với tên gọi: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh này là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, không nên và không cần phải thay đổi, chỉ bổ sung thêm phần ghi trong ngoặc (bổ sung, phát triển năm 2011). Tương tự như cách gọi: “Cương lĩnh năm 1930”, “Cương lĩnh năm 1991”, “Hiến pháp năm 1946”, “Hiến pháp năm 1980”, “Hiến pháp năm 1992” “Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001)”.
2. Về đánh giá khái quát quá trình cách mạng Việt Nam
Cương lĩnh năm 1991 đánh giá khái quát quá trình cách mạng trong hơn 60 năm. Đến nay quá trình cách mạng nước ta đã hơn 80 năm. Kế thừa đánh giá của Cương lĩnh năm 1991, của các văn kiện đại hội thời kỳ đổi mới, nhất là của Đại hội IX, Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2001) viết: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam DCCH, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới; tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, đưa nước ta tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”.
Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) khẳng định : “Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới”.
Đánh giá tổng quát như trên đã thể hiện một cách cô đọng, khái quát hơn so với Cương lĩnh năm 1991, bảo đảm trung thực với lịch sử, đề cao niềm tự hào dân tộc, đồng thời phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
(Còn tiếp)