Ông Bùi Quang Nhiệm - Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) cho biết, tình trạng vi phạm hành lang an toàn (HLAT) lưới điện luôn là hồi chuông “cảnh báo” nguy cơ xảy ra các sự cố đáng tiếc, mang tới những hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống lưới điện, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.
Ông Hà Minh Đông - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành (QLVH) lưới điện cao thế Hà Tĩnh cho biết thêm, tình trạng người dân tự ý cơi nới, xây dựng nhà ở, công trình nằm trong HLAT lưới điện cao áp; các trường hợp trồng cây trong và sát hành lang lưới điện, tự chặt, khai thác cây nhưng không phối hợp với đơn vị quản lý vận hành; thả diều, vật bay vướng vào lưới điện cao áp... đang làm tăng nguy cơ mất an toàn lưới điện cao áp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người dân.
Từ thực tế đó, thời gian qua, bên cạnh việc thường xuyên đẩy mạnh kiểm tra, rà soát lưới điện, kịp thời phát hiện và xử lý những tồn tại liên quan đến HLAT lưới điện... PC Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân các quy định, pháp luật Nhà nước về bảo vệ HLAT lưới điện và xem đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thường xuyên tuyên truyền đến người dân về hoạt động bảo vệ hành lang an toàn lưới điện |
Theo đó, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền như tiến hành phát tờ rơi, treo pano, áp phích tuyên truyền tại các trung tâm, khu vực đông dân cư; gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ gia đình sống trong và hai bên hành lang lưới điện... đề nghị phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc giải phóng hành lang lưới điện và xử lý các trường hợp vi phạm HLAT lưới điện.
Mặt khác, Công ty cũng tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội qua facebook, zalo; phối hợp với chính quyền phổ biến trên hệ thống loa phát thanh các thôn, phường, xã... về các quy định liên quan đến an toàn điện... qua đó giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành việc bảo vệ HLAT lưới điện cao áp; Hiểu biết về các quy định đền bù và mức xử phạt khi vi phạm HLAT lưới điện cao áp dẫn đến hư hỏng lưới điện gây gián đoạn cung cấp điện.
Bên cạnh đó, còn thường xuyên phối hợp với chính quyền trong giải quyết, tiến hành chặt tỉa cây vi phạm HLAT lưới điện; cắm biển cảnh báo an toàn, thông báo đến người dân các vị trí vi phạm hành lang để phòng tránh tai nạn điện... Ngoài ra, đơn vị còn trực tiếp đến nhà dân và các cơ quan, đơn vị có hệ thống lưới điện cao áp đi qua để vận động thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn lưới điện cao áp.
“Khó khăn nhất vẫn là công tác phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm HLAT lưới điện do cơi nới, xây dựng nhà ở, chặt tỉa, loại bỏ các cây phạm vào hành lang. Hầu hết các hộ dân ban đầu đều không đồng tình, thậm chí quyết liệt phản đối vì ảnh hưởng đến lợi ích và cả kinh tế của họ. Tuy nhiên, sau nhiều lần được cán bộ điện lực và các cấp chính quyền kiên trì tuyên truyền, phân tích, khuyến cáo, nhiều hộ gia đình đã nhận thức được sự nguy hiểm về hành vi vi phạm HLAT lưới điện và đồng thuận phối hợp với ngành điện thực hiện công tác giải tỏa hành lang, từ đó hạn chế và ngăn chặn các vi phạm phát sinh”- ông Hà Minh Đông thông tin.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 01 vụ vi phạm HLAT lưới điện do một học sinh lớp 5 thả diều gây sự cố lưới điện. Điều này cho thấy tác dụng, hiệu quả và nỗ lực của ngành điện Hà Tĩnh và các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và chấp hành các quy định, pháp luật Nhà nước về bảo vệ HLAT lưới điện.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm HLAT lưới điện theo đó có thể giảm ở thời điểm này nhưng có thể lại tăng mạnh ở thời điểm khác nếu công tác tuyên truyền của ngành điện không thường xuyên, sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc xử phạt thiếu tính quyết liệt. Vì vậy, quan điểm xuyên suốt của PC Hà Tĩnh đó là “công tác tuyên truyền luôn đặt lên hàng đầu và phải chú trọng, duy trì thường xuyên”.