Phiên tòa xét xử ông Nawaz Sharif và con gái Maryam đang được dư luận quan tâm bởi vết dầu loang của "Hồ sơ Paradise” ngày một lớn, trong khi "Hồ sơ Panama" tiếp tục được mở rộng.
Phe đối lập cho rằng, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif không trung thực khi điều trần trước Quốc hội và không thể giải thích về nguồn gốc số tiền của các công ty nước ngoài do con gái và 2 con trai ông sở hữu. Hơn 1 tháng trước (26-9), ông Nawaz Sharif đã có mặt tại phiên tòa xét xử tham nhũng và tòa tuyên bố, cựu Thủ tướng và con gái sẽ chính thức bị buộc tội trong 3 vụ án tham nhũng.
Trước khi xuất hiện trước tòa hôm 3-11, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã nhận được 3 giấy triệu tập của Tòa án tối cao ngay sau khi trở về từ London. Theo giới truyền thông, ông Nawaz Sharif đã tới London (Anh) để chăm sóc vợ đang phải điều trị căn bệnh ung thư và mới về nước theo lệnh của tòa hôm 2-11.
Khi đó, 5 thành viên của Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia (NAB), đứng đầu là Phó Cục trưởng Mehboob Ahmed đã trao cho ông Nawaz Sharif giấy triệu tập với sự có mặt của các luật sư. Bởi theo quyết định hôm 26-10 của một tòa án ở Pakistan, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif bị bắt để chờ xét xử trong 2 vụ kiện tham nhũng liên quan đến "Hồ sơ Panama".
Gần 1 tháng trước (19-10), một tòa án chống tham nhũng đã chính thức buộc tội cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và con gái Maryam cùng chồng là Muhammad Safdar với cáo buộc liên quan tới việc sở hữu nhiều công ty bình phong được đăng ký ở quần đảo British Virgin, thuộc Vương quốc Anh. Và đã sử dụng những công ty này để mua bất động sản ở London.
Những người ủng hộ ông Nawaz Sharif |
Trong báo cáo gửi tới tòa, nhóm điều tra chung cho biết, đã nhận được bằng chứng xác thực từ nhà chức trách Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), theo đó ông Nawaz Sharif không những là Chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty có trụ sở tại Dubai, mà còn nhận mức lương 2.722 USD/tháng (từ 7-8-2006 đến 20-8-2014) từ các công ty (Nescoll, Nielsen và Hangon) thuộc sở hữu của các con. Và việc này không được ông Nawaz Sharif kê khai trong hồ sơ đề cử cũng như thu nhập của bản thân.
Mặc dù bị Tòa án tối cao tuyên bố không đủ tư cách để giữ chức vụ tại bất kỳ cơ quan công quyền nào, nhưng ngày 3-10, đảng cầm quyền Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) vẫn bầu cựu Thủ tướng Nawaz Sharif là người đứng đầu PML-N. Ông Nawaz Sharif được bầu làm Chủ tịch đảng PML-N chỉ vài giờ sau khi Hạ viện thông qua dự luật cải cách bầu cử, trong đó cho phép chính trị gia dù không đủ tư cách giữ các vị trí trong các cơ quan nhà nước, nhưng vẫn có thể lãnh đạo các đảng phái chính trị.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 28-7, Tòa án tối cao nêu rõ, ông Nawaz Sharif không đủ tư cách là thành viên Quốc hội, nên phải từ chức Thủ tướng. Ngoài ra, Tòa án tối cao còn yêu cầu Cơ quan chống tham nhũng quốc gia mở rộng điều tra đối với các cáo buộc liên quan đến ông Nawaz Sharif.
Và phải kết thúc sớm cuộc điều tra đối với cả con đẻ và con rể của ông Nawaz Sharif. Toà án tối cao kết tội ông Nawaz Sharif về tội che giấu tài sản ở nước ngoài và sống xa hoa hơn mức thu nhập chính thống. Đây là lần thứ hai trong lịch sử 70 năm qua của Pakistan, Tòa án tối cao phế truất Thủ tướng đương nhiệm. Năm 2012, ông Yousaf Raza Gilani bị Tòa án Tối cao phế truất sau khi từ chối yêu cầu nhà chức trách Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra nghi án tham nhũng chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari.
Theo giới truyền thông, tuy giữ kỷ lục 3 lần làm Thủ tướng, nhưng ông Nawaz Sharif chưa lần nào hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm. Hơn 24 năm trước (18-7-1993), ông Nawaz Sharif phải từ chức Thủ tướng vì những cáo buộc tham nhũng. Và sau cuộc đảo chính tối 12-10-1999, Tổng thống Pervez Musharraf đã yêu cầu cảnh sát làm rõ những vụ tham nhũng có liên quan tới ông Nawaz Sharif.