Từ đam mê công nghệ đến sản phẩm “đầu tay”
Học xong bằng trung cấp khoa thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia và Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng con đường khởi nghiệp gập ghềnh của ông Trung lại bắt đầu từ những mô hình kinh doanh nhỏ. Đúng vào lúc đang loay hoay thì tình cờ Viện đào tạo Doanh Nhân Nasa tuyển dụng nhân sự, ông Trung được nhận vào làm bán thời gian với những công việc giống như của một nhân viên văn phòng. Đó là làm hậu cần phục vụ cho các khóa học buổi tối với thù lao 50k/buổi.
Nhưng cũng chính từ những công việc tưởng “bếp núc” như chuẩn bị tài liệu, tiệc trà, trợ giảng cho các thầy ở các lớp học mà những kiến thức cứ trôi vào đầu Trung một cách rất tự nhiên. Đặc biệt là các kiến thức kỹ năng, tài chính, quản trị nhân sự. Khi Viện Nasa và một tổ chức nước ngoài mở một chương trình liên kết đào tạo về quản trị kinh doanh thì Trung sang Singapore học trong vòng 6 tháng. Đây chính là thời gian giúp con người trẻ tuổi mở mang với thế giới bên ngoài, tự tin hơn khi về nước để bắt tay làm lại từ con số 0 tròn trĩnh.
Cách đây chục năm thì kinh doanh online và mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ. Học để làm nó cũng mò mẫm và phải rất kiên trì. Đam mê kinh doanh, áp dụng công nghệ nên thời đó, Trung dành nhiều thời gian đi “săn” các khóa đào tạo về công nghệ, chi phí càng ít càng tốt. Thậm chí, có những dự án nước ngoài đào tạo chỉ 1 ngày tại Việt Nam Trung cũng biết để tham gia. Cứ kiên trì như vậy, kiến thức về kinh doanh và am hiểu thêm về công nghệ thông tin ngày càng dày thêm.
Cũng qua những hội thảo, những khóa đào tạo, Trung có thêm những người bạn cùng chung ý tưởng. Đến đầu năm 2015, nhóm của Trung đã có đến 8 người, chủ yếu trong độ tuổi 8X, 9X, đều am hiểu và đam mê lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất thân từ những cơ sở đào tạo lớn như Đại học FPT, Đại học Kinh tế Quốc dân, có bạn du học ngành công nghệ từ Nhật Bản trở về đã hợp nhau lại. Ban đầu họ nhận làm gia công những đơn đặt hàng nhỏ lẻ, sau đó là những khách hàng lớn hơn. Giai đoạn này, nhóm nhận các đơn đặt hàng như làm một công đoạn trong một quy trình sản xuất sản phẩm, lập trang Web, thậm chí mở cả cửa hàng kinh doanh Game Online, bước đầu cho lợi nhuận.
Nhưng với suy nghĩ cứ đi làm gia công một phân đoạn như vậy cũng không bền và thụ động, tại sao mình lại không thể tự đứng ra làm chủ? Câu hỏi ấy thôi thúc Trung và các cộng sự. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2016, sản phẩm sàn giao dịch tài sản số ra đời. Đây là một trong những sản phẩm top đầu được cộng đồng mạng tin dùng và sử dụng như một “chợ” mua bán trao đổi tài sản kỹ thuật số toàn cầu. Một tổ chức công nghệ đã mua lại bản quyền sản phẩm này với một số tiền khá lớn.
Sản phẩm sàn giao dịch tài sản số thành công mở ra cho ekip nhiều cơ hội, những chiến lược kinh doanh mới, nhưng cũng gây ra những bất ổn khi trong e kíp nhiều người muốn tách ra làm riêng. Một số người trong nhóm ra đi, tạo thành 3-4 nhóm khác nhau. Chỉ còn 2 thành viên sáng lập, trong đó có Trung.
Trải qua quãng đường nhiều khó khăn, dù đã có những sản phẩm mang tính ứng dụng cao và được cộng đồng ghi nhận, sử dụng. Song con đường đi của các chàng trai công nghệ vẫn chưa được định hình rõ nét.
Luôn mở cánh cửa mang tên Onpun
“Các dự án công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam ồ ạt cũng là lúc không ít các dự án khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam phải đăng ký pháp nhân ở nước ngoài, để phù hợp với khuôn khổ hành lang pháp lý. Nhận thấy cơ hội lớn để đất nước không bị tụt hậu đánh mất cơ hội so với thế giới, Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi chủ động nghiên cứu đón nhận xu thế mới. Những hội thảo chuyên sâu thuộc nhóm công nghệ 4.0, tiền kỹ thuật số, chuyển đổi số... được Chính phủ và các Bộ ngành tổ chức rộng rãi. Vào cuối năm 2018 được biết Bộ Tư pháp chuẩn bị tổ chức “Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.
May mắn được lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao phó trách nhiệm kết hợp với Viện Khoa học Pháp lý của Bộ làm đầu mối kết nối, phối hợp thực hiện công tác tổ chức, chuẩn bị cho Hội thảo. Vào ngày 23-24/6 vừa qua, Hội thảo đã diễn ra với thành công vang dội. Và Onpun tạo nên dấu ấn với những những đóng góp thiết thực. Hội thảo đánh dấu một mốc quan trọng cho việc mong muốn, cập nhật hoàn thiện khung pháp lý của Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Chuyên gia công nghệ Đặng Vân Phúc - Co Founder Onpun chia sẻ : “Tuy Onpun là doanh nghiệp mới ra đời, nhưng quy tụ không chỉ nhiều nhân lực kỳ cựu, dày kinh nghiệm mà còn xuất hiện đúng thời điểm, làm đúng việc trong thời kỳ mà cả Chính phủ, các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và cộng đồng phát triển công nghệ đang cần sự kết nối.” Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, lắng nghe những vướng mắc, khó khăn, những đề xuất từ các khởi nghiệp sáng tạo, các công ty về công nghệ mới và cả từ các cộng đồng, Onpun đã đóng vai trò kết nối các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp sáng tạo, các công ty công nghệ và các nhà làm chính sách từ các cơ quan Chính phủ. Không chỉ phát triển kinh doanh cho chính mình, Onpun còn tư vấn và kết nối giúp cộng đồng cùng phát triển.
Bên cạnh các doanh nghiệp, Onpun còn tham mưu tích cực cho các Bộ, ban ngành chuyên thực hiện nghiên cứu và đề xuất sửa đổi luật. Hiện nay đối tác của Onpun gồm một số Viện, Vụ của các Bộ, ban ngành liên quan, các doanh nghiệp như Vinakon, Bluebelt, Fintech Green, Unibot, VNPT.... Đã có những bản hợp đồng hợp tác toàn diện được ký kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Những khởi nghiệp khó khăn giúp cho tôi nhận ra một bài học rằng nếu không có liên kết, không phát huy được trí tuệ tập thể mà chỉ là đơn lẻ từng cá nhân thì không thể làm ra những sản phẩm tốt phục vụ cộng đồng cũng như chiến lược đi dài hạn”. Với tâm niệm như vậy nên Tổng Giám đốc Phạm Quang Trung luôn mở cánh cửa mang tên Onpun đối với những người có năng lực, tâm huyết. Đặc biệt đối với hàng chục cộng sự, người sáng lập từ thời còn sơ khai, Onpun mong muốn họ trở về tiếp tục đi cùng nhau trên con đường đã chọn.
Lập pháp nhân Việt Nam, mọi hoạt động của Onpun qua thời gian đi vào nền nếp, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật. Với việc ứng dụng chữ ký điện tử, thanh toán điện tử… việc nộp thuế ở Công ty này luôn công khai, minh bạch. Các chế độ bảo hiểm cho nhân viên trong công ty cũng được chấp hành nghiêm túc. Đặc biệt, việc chấp hành pháp luật về lao động với các chế độ lương thưởng luôn được thực hiện đúng quy định.
Ngoài việc tuân thủ pháp luật, Onpun luôn mong muốn thông qua các hoạt động của mình sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Là cầu nối giữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp sáng tạo với nhau và với hệ thống pháp lý của Việt Nam.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin pháp triển như vũ bão, cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên kết các dự án công nghệ, điều đó đặt ra những thách thức mới trong việc cạnh tranh khi “tên tuổi” còn quá mới trên thị trường công nghệ. Tuy nhiên, theo lời của ekip sáng lập Onpun “chúng tôi tự tin vào năng lực, sự nhiệt huyết, tin vào những việc mình đang làm cho cộng đồng”.
Nói về những dự án sắp tới, Tổng Giám đốc Phạm Quang Trung cho biết, đang phối hợp thực hiện một hội thảo cũng ở cấp quốc gia nhưng xin chưa tiết lộ thêm, còn với các sản phẩm công nghệ, Onpun đã nghiên cứu nhu cầu của thị trường và đang nỗ lực để cho ra đời những thế hệ ''người máy nhân sự, nhân sự ảo, botchat...'' nhằm hỗ trợ cho công việc của con người. “Onpun mong muốn trở thành một cánh chim đầu đàn trong các hoạt động tương tác về công nghệ thông tin, trở thành một trong những đơn vị tham gia hoàn thiện sản phẩm cho ngành tài chính thông minh, trong đó có nền quản trị minh bạch giúp Nhà nước có thể quản trị và phòng ngừa rủi ro”. Mong muốn của Tổng Giám đốc Phạm Quang Trung chắc chắn sẽ không phải là xa vời nếu Onpun tiếp tục nỗ lực như những gì họ đã làm trong suốt thời gian qua.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu