Sản phẩm “không tên” được bán với giá 45 triệu đồng?
Ban Tổ chức (BTC) chương trình đã từng cho biết, đã có 3.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với hơn 5.000 sản phẩm giá 0 đồng hoặc giảm giá lên đến 80% - 90% từ các thương hiệu quen thuộc như Samsung, Oppo, LG, Vinamilk, Sunhouse, Laneige, TheFaceShop. Tuy nhiên, số lượng thực sự của các sản phẩm có đến 5.000 như BTC đã công bố?
Có thể thấy, trên trang chính thức của Online Friday, lượng sản phẩm được xuất hiện khá nhiều nhưng đa phần là các sản phẩm lặp đi lặp lại như quần áo, nồi chiên, vali… thậm chí, có những loại sản phẩm gần như chiếm đến 1/2 trang giới thiệu sản phẩm với hình ảnh xuất hiện y hệt nhau. Điều này gây khó chịu cho người tiêu dùng (NTD).
Chị Lê Phương Loan (Công ty Vé máy bay Gia Bảo) cho biết, truy cập vào chi tiết sản phẩm của Online Friday chị thấy lượng hàng hóa không nhiều, có những sản phẩm vừa xuất hiện ở trang trước lại thấy có trong trang sau, gây mất thời gian cho NTD. “Thà họ chỉ xuất hiện 1 lần rồi giới thiệu có các loại màu, các loại size thì NTD sẽ không mất nhiều công click vào các trang như thế” - chị Loan bày tỏ.
Theo ghi nhận của PLVN, có 5 loại sản phẩm được đăng ký bán ra với giá 0 đồng, nhưng mỗi loại sản phẩm chỉ có 1-2 sản phẩm được bán với giá này. Cơ hội săn được giá 0 đồng gần như không có. Đa phần các sản phẩm đều được giảm giá ở mức trung bình 30-40%, cá biệt có sản phẩm giảm giá tới 80% như áo khoác nam màu xanh size XL P18 của thương hiệu May Chiến Thắng nhưng khi tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử thì không thấy xuất hiện bất kỳ một thông tin nào của sản phẩm này.
Ngoài ra, còn có hiện tượng xuất hiện sản phẩm một cách mập mờ. Như cách bày bán chiếc máy chạy bộ trên website không khỏi khiến NTD khó hiểu. Vài sản phẩm máy chạy bộ nhưng không có tên thương hiệu được bán trong chương trình với mức giá 18,999 triệu đồng/chiếc (nguyên giá 45 triệu đồng, được giảm 57%). Thậm chí cũng có sản phẩm bày bán với giá 45 triệu đồng (nguyên giá 64 triệu đồng). Tuy nhiên, khi tìm kiếm sản phẩm tương tự trên chính website này, giá sản phẩm dao động từ… 780.000 đồng đến 19,5 triệu đồng.
Vì không có tên máy cụ thể, series mà chỉ có hình ảnh giống nhau nên không thể xác định chính xác giá thực của chiếc máy này để NTD có thể so sánh và lựa chọn đặt mua. Trong khi đó, truy cập vào website bán hàng chính thức của đơn vị bày bán sản phẩm này, chúng tôi nhận thấy, tất cả các sản phẩm giới thiệu trên website này đều có tên thương hiệu rất rõ ràng. Không hiểu tại sao BTC lại để tồn tại một sản phẩm kỳ lạ, không xuất hiện tên nhãn hiệu chính thức như thế trong khi đã khẳng định, tất cả các sản phẩm bán trong Online Friday đều được đảm bảo về mặt xuất xứ?
Vẫn nâng giá sản phẩm rồi… giảm
Trong cuộc họp báo công bố thông tin về Online Friday 2018, BTC khẳng định sẽ có thẩm định giá cả để tránh hiện tượng các thương hiệu, nhãn hàng nâng giá lên rồi giảm giá như nhiều chương trình khuyến mãi trước đây. Quả thật, có nhiều sản phẩm có giá giảm đáng kể so với thị trường. Một vài sản phẩm khác cũng có giá rẻ hơn so với giá bán trên thị trường như kính mát nữ, giày da nam...
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều sản phẩm có giá bán cao hơn thị trường khiến NTD nghi ngại “Online Friday “chạy” chương trình khuyến mại ảo”. Như máy lọc nước trực tiếp RO Toshiba TWP-W1643SV, giá ghim trên Online Friday là 12.600.000 đồng, sau giảm 31% còn 8.690.000 đồng. Nhưng trên trang umbala.vn, giá ghim chính thức là 9 triệu đồng, ở meta.vn, giá chính thức (không có giảm giá) bằng đúng giá đã sale trên Online Friday.
Hay chiếc đồng hồ nam SEIKO, trên wesite chính thức của Ngày mua sắm trực tuyến có giá ghim 7.450.000 đồng/đôi, giảm 49% còn 3.750.000 đồng/đôi, nhưng tìm hiểu qua các trang bán hàng khác, loại đồng hồ này đang được giao bán với giá 4.085.000 đồng/đôi… Một sản phẩm khác có mức giảm giá 30% là bếp điện tử Sunhouse SHB9108-S, giá bán sau giảm là 5,75 triệu đồng, nguyên giá 8,25 triệu đồng. Cùng model bếp này, web so sánh giá trả kết quả giá phổ biến là 4 triệu đồng được bán tại nhiều cửa hàng đồ gia dụng có tiếng tại Hà Nội.
BTC chưa có công bố chính thức tổng doanh thu thu được do chương trình kết thúc vào lúc 0h ngày 8/12/2018. Tuy nhiên, với lượng sản phẩm bày bán và độ “hot” của sản phẩm, có thể dự đoán mục tiêu 1.500 tỷ đồng doanh thu của Online Friday 2018 sẽ khó có thể đạt được./.