Thành quả của doanh nghiệp tư nhân Tư Thạch trong 20 năm qua là minh chứng mạnh mẽ cho ý chí, tinh thần và nghị lực vươn lên của người nông dân Việt. Và đằng sau sự thành công của mỗi mô hình mà Tư Thạch dày công sáng tạo, luôn có dấu ấn của VietinBank – Chi nhánh Vĩnh Long.
Đi lên từ gốm
Không cần phải đến tận vùng Măng Thít - Long Hồ, đến Vĩnh Long mà nói đến nghề gốm, thì doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tư Thạch đã là một cái tên rất quen thuộc.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang là ông giám đốc có nụ cười hiền của một lão nông tri điền. Nỗi cơ cực đã vận vào ông Tư Thạch từ thuở thiếu thời nhưng cũng lại là động lực lớn thúc ông vượt lên số phận.
Năm 1992, sau bao năm lăn lộn đủ thứ nghề, ông bén duyên với gạch gốm. Ông nhớ lại: “Ngày đó cũng nhờ VietinBank – Chi nhánh Vĩnh Long tin tưởng cho vay vốn chứ nông dân nghèo như tôi thì lấy đâu ra tiền mở kho, xây xưởng. Mấy anh chị cũng chịu khó lên xuống nhiều lần để xem đường hướng làm ăn ra sao, hiệu quả có bền vững không? Nếu hồi đó mà ngân hàng không tin, không có cái nhìn thấu đáo thì chưa chắc có DN Tư Thạch như thế này. Từ 65 triệu đồng vay khi đó mà tôi làm ăn, mở rộng cho tới cơ ngơi 14ha xưởng gốm như hôm nay đây”.
Có vốn, ông xây nhà xưởng, thuê hẳn một đội thợ giỏi, có kinh nghiệm gốm từ Bình Dương về, trả lương hậu hĩnh để lấy công nghệ, rồi nhân rộng. Tư Thạch có tác động khá lớn vào ngành thủ công mỹ nghệ và nghề sản xuất gạch, gốm xuất khẩu ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Nhờ đó đã góp phần phát triển mạnh làng nghề gạch, gốm truyền thống của tỉnh nhà và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.
Các mẫu gạch gốm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu bởi tính thô mộc, mang nét đẹp nguyên sơ, hợp với thị hiếu nước ngoài. Thị trường chủ yếu của dòng gốm này là Đức, Pháp, Hà Lan...với doanh số xuất khẩu trong những năm 1999-2000 lên đến hơn 1 triệu USD. Đó là thành quả xứng đáng cho những cố gắng không mệt mỏi của người thợ gốm Tư Thạch.
Những mô hình tiên phong…
Nghề nào cũng có thăng trầm và gốm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khủng hoảng kinh tế từ năm 2007 khiến nhu cầu trang trí cũng ít dần, thế nên sức mua các sản phẩm gốm cũng giảm đi. Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, ông quyết định mở rộng kinh doanh trên cơ sở tận dụng các thế mạnh khác của quê hương.
Được sự hậu thuẫn lớn của VietinBank – Chi nhánh Vĩnh Long trong việc hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng, vào năm 2007 trang trại 4ha với 6 trại nuôi gà, 3 trại chăn nuôi heo đã ra đời. Trại heo có quy mô giai đoạn đầu là 1.100 con heo/trại theo quy trình kỹ thuật cao, an toàn. Trại gà với số lượng nuôi 90.000con gà/ đợt (60 ngày) được phát triển theo quy trình khép kín, an toàn sinh học. DNTN Tư Thạch dự tính sẽ cung cấp heo thịt thương phẩm đạt khoảng 900 tấn/năm và gà thịt thương phẩm đạt 1.200 tấn/năm.
Chưa dừng ở đó, DNTN này tiếp tục đưa ra dự án sản xuất phân bón hữu cơ theo quy trình khép kín. Dự án này đã được VietinBank Vĩnh Long đánh giá cao tính khả thi và quyết định cho vay vốn sản xuất. Phân hữu cơ Tư Thạch lấy nguyên liệu từ phế phẩm của trại nuôi gà kết hợp nguồn nguyên liệu dồi giàu tại địa phương như: bùn đáy ao nuôi cá tra công nghiệp, than bùn,... Đến nay ông đã có gần 100 đại lý phân phối tại các tỉnh ĐBSCL đạt doanh số từ 2-3 tỷ đồng/năm. Hiện DN còn đang lắp dây chuyền sản xuất phân viên, phân 3 màu với hỗ trợ vốn từ VietinBank là gần 5 tỷ đồng.
Có thể nói, thành công của những mô hình mà Tư Thạch có được như ngày hôm nay đều mang đậm dấu ấn của VietinBank Vĩnh Long trong gần 20 năm qua. Những thành quả mà ông đang có là minh chứng cho sự mạnh mẽ, ý chí, tinh thần và nghị lực vươn lên của người nông dân Việt.
Ngân An