Từ năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia có chính sách và biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá làm nóng theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành, được nêu rõ trong Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Đồng thời tổ chức này cũng đưa ra hướng dẫn quản lý đối với thuốc lá điện tử. Việc đưa các sản phẩm thuốc lá mới vào kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng bình thường hóa việc hút, sử dụng các sản phẩm thuốc lá, nicotin trên toàn cầu.
Cấm đoán không phải là giải pháp
Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang hiện diện chủ yếu qua hình thức nhập lậu, thách thức các cơ quan quản lý. Do vậy, theo Phó Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng cần sớm có cơ chế đối với mặt hàng này, hoặc cấm hoặc cho phép thương mại. Tuy nhiên, ông Nhưỡng khẳng định, trước nhu cầu thực tế của xã hội, cần quản lý chứ không thể cấm đoán, bởi cấm chỉ là phương pháp nửa vời.
Để cụ thể hơn trước ý kiến này, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đồng thời nêu lên cơ sở pháp lý có thể áp dụng trong việc thực thi việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Nhà nước có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng chưa đưa vào áp dụng triệt để.
Vì vậy, ông khẳng định: “Chúng ta có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng việc quản lý yếu kém đã dẫn đến tình trạng các loại thuốc lá thật, chính danh hiện nay lại đang bị cạnh tranh, nghĩa là có tình trạng bất công trong quá trình sản xuất kinh doanh của các loại mặt hàng mà ta gọi là mặt hàng thuốc lá. Tôi cho rằng đây là vấn đề liên quan cả về xuất nhập khẩu, liên quan đến cả các vấn đề tiền thuế của Nhà nước, liên quan đến cả sức khỏe của con người, liên quan đến môi trường... Một vấn đề nữa, tôi cho rằng liên quan cả hình ảnh của đất nước, hình ảnh của Nhà nước, liên quan đến vấn đề quản lý và hợp tác quốc tế, bởi Việt Nam cũng là thành viên của rất nhiều hiệp định song phương và đa phương”.
Bên cạnh đó, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới không chỉ là nhu cầu trong nước mà còn phù hợp với thông lệ, quy định quốc tế. Việc các tổ chức quốc tế phân loại sản phẩm, hướng dẫn các quốc gia thi hành biện pháp kiểm soát phù hợp là cơ sở để giúp cho các nước như Việt Nam có thể sớm đưa các loại sản phẩm thuốc lá dưới sự quản lý của Nhà nước.
“Chúng ta đều biết hiện nay quốc tế cũng đã có hệ thống quản lý, quy tắc, thông lệ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo rằng thuốc lá làm nóng là một trong những mặt hàng cần phải được các quốc gia quản lý. Tổ chức Hải quan Thế giới cũng đã đặt thuốc lá là một loại sản phẩm làm nóng theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác). Trong định nghĩa thuốc lá của chúng ta (theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá) thì thuốc lá làm nóng cũng là nằm trong định nghĩa của Luật này”, ông Nhưỡng cho biết thêm.
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát về hải quan, Tổng cục Hải quan; bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng đồng thuận rằng việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất cần thiết.
Ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết: “Trong báo cáo năm 2021, WHO cũng khuyến cáo rằng các sản phẩm mới cần được đưa vào phương pháp tiếp cận toàn diện để kiểm soát thuốc lá”.
Ông cho biết thêm: Theo báo cáo tháng 7 năm 2021 của WHO, trong số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của WHO, hiện đã có đến 184 quốc gia quản lý thuốc lá làm nóng như sản phẩm thuốc lá hoặc phân mặt hàng này vào danh mục hàng hóa khác. Với sản phẩm hóa hơi (thuốc lá điện tử), hiện 79 quốc gia đã có biện pháp quản lý với mức độ khác nhau và 84 nước không cấm hoặc chưa có biện pháp quản lý.
Cần tránh cực đoan và lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh, các Bộ liên quan cần có sự thống nhất về quan điểm để có thể có những bước tiến xa hơn trong tiến trình quản lý thuốc lá thế hệ mới. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải “đoạn tuyệt quan điểm cực đoan trong quá trình xây dựng chính sách cũng như các vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm”.
Một số đại biểu dự tọa đàm. |
“ Theo tôi, dứt khoát phải quản lý khi xã hội có nhu cầu, xuất hiện các quan hệ xã hội thì Nhà nước không thể không quản lý. Ở đây là sản phẩm có tác hại không chỉ đối với người hút thuốc mà tác động với cả những người xung quanh, đến nhà sản xuất, các nhà xuất nhập khẩu. Không thể chấp nhận chuyện không thể quản lý”, ông Nhưỡng khẳng định.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên bổ sung thêm: “Mục tiêu quản lý đối với loại mặt hàng này phải là mục tiêu kép và phải giải quyết hài hòa lợi ích bốn bên, bao gồm lợi ích Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của nhà sản xuất và lợi ích của cộng đồng”. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất về quan điểm của các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng chính sách quản lý những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Các đại biểu tham gia tại tọa đàm đều thống nhất, thí điểm là biện pháp cẩn trọng cần thiết trước một mặt hàng mới mẻ so với hệ thống quản lý hiện nay của Việt Nam. Theo đó, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh vai trò của thí điểm trong chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện của quốc gia. Mặt khác, ông cũng cho rằng không thể cực đoan trong chính sách này mà cần phải hết sức toàn diện để giúp Chính phủ quyết định có ban hành chính sách này như thế nào để hài hòa hóa trong hệ thống pháp luật của quốc gia, hài hòa lợi ích các bên và thích ứng với hệ thống pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Kết thúc tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng hy vọng Bộ Công Thương khi xây dựng chương trình thí điểm thì cần giải đáp được các câu hỏi về mặt chính sách này. “Để triển khai thực tiễn và toàn diện, về mặt nào đó các cơ quan quản lý có thể vận dụng tất cả các quy định hiện hành và trên cơ sở căn cứ thí điểm để có thể xây dựng được một chính sách khả dĩ nhất”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.