* Thưa nhà thơ Ngô Đức Hành, được biết, ông có mối quan hệ cháu – bác gần gũi với nhà thơ Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Ông có thể nói rõ hơn về mối quan hệ này?
- Về quan hệ gia đình thì thế này, bố tôi và nhà thơ Xuân Diệu là cùng thờ một ông nội, ở quê tôi gọi bằng phương ngữ Nghệ là “bài vai”, tức ngang hàng. Xuân Diệu là “cửa bác”, bố tôi là “cửa chú”. Tôi gọi nhà thơ Xuân Diệu là bác thúc bá (từ phổ thông là bác họ).
Trước đây, vì hoàn cảnh riêng của Xuân Diệu nên cô ruột tôi có ra Hà Nội chăm sóc, cơm nước cho ông một thời gian. Nhưng vì ở chung một căn biệt thự, vợ nhà thơ Huy Cận hơi “ghê” không hợp tánh tình nên cô về. Sau này mới có bà vú nuôi.
Nhà thơ Xuân Diệu trong cuộc sống đời thường (Ảnh chụp bởi Ngô Đức Hành). |
Xuân Diệu còn có một người em trai cùng bố, cùng mẹ là nhà văn Tịnh Hà, nhưng ông đi biền biệt và mất từ lâu, nay có con cháu ở TP. Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, cùng cha khác mẹ còn có người em là bác Ngô Xuân Huy, trước đây là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Các anh không về, nên về họ hàng, tôi là đại diện thờ cúng tổ tiên, trong đó có thờ cúng Xuân Diệu tại nhà thờ ngay trong vườn nhà bố mẹ tôi ở quê. Dù tôi vẫn đang sống và làm việc ở Hà Nội.
* Ông có thể kể về một số kỷ niệm với nhà thơ Xuân Diệu?
- Nhà thơ Ngô Đức Hành: Xuân Diệu sinh ra ở quê mẹ - Quy Nhơn, lớn lên tham gia hoạt động Việt Minh và ra Hà Nội từ rất sớm. Những năm còn chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhân chuyến công tác Khu 4 cũ của Xuân Diệu, tôi mới gặp lại bác. Lần đó ông về quê và nói chuyện, đọc thơ cho bà con nghe. Khi ấy tôi còn bé lắm. Tuy nhiên, vẫn nhớ như in ông đọc bài thơ “Cha ở đàng ngoài mẹ ở đàng trong”. Hình ảnh ông cầm đèn măng xông lên cho mọi người ở xa nhìn rõ mặt Xuân Diệu, vì đông người đến lắm, thì tôi không bao giờ quên.
Xuân Diệu làm việc tại nhà riêng. |
Sau này trong bài thơ của tôi có tên “Xuân Diệu” tôi viết như hoàn cảnh lúc đó: "Ông cầm đèn măng xông/ Giơ ngang vai rồi hỏi: Bà con nhìn Xuân Diệu có rõ không? Có thể có, có thể không/ Nhưng thơ ông mấy người không say đắm."
Sau này ra Hà Nội học thì thường cuối tuần, tôi đến nhà Xuân Diệu ở 24 phố Cột Cờ (nay là đường Điện Biên). Mùa hè ông hay nằm trên chiếc ghế dưới gốc cây Hoàng Lan, nay không còn cây này. Thường là hai bác cháu nói chuyện một lúc thì tôi về trường.
Tôi cứ nhớ mãi ông hay kêu ca các cô ở quê lấy chồng đẻ nhiều quá. Ông bảo “đẻ thế thì nuôi dưỡng làm sao tốt được?”
* Ông cũng là nhà thơ, vậy từ thơ và con người Xuân Diệu, ông thấy mình chịu ảnh hưởng như thế nào?
- Dù cơ hội gặp gỡ ít, nhưng tôi vẫn được ảnh hưởng đấy. Thứ nhất là, tình cảm yêu thương gia đình, họ tộc, quê hương; thứ hai là thái độ đam mê sống, lăn xả dâng hiến. Làm được gì đó là làm, gắng làm tốt, chu toàn; thứ ba, là căn cơ tiết kiệm của người xứ Nghệ. Sinh thời Xuân Diệu sống rất tiết kiệm, nhưng cũng sẵn sàng cho hết những gì tiết kiệm được, thậm chí không phải cho người nhà mà là bạn bè. Tính tôi cũng vậy.
Một số tác phẩm của Xuân Diệu. |
Riêng về thơ thì nặng lòng với quê hương đất nước. Có điều Xuân Diệu viết về Hà Tĩnh rất ít. Ngay cả cán bộ làm văn hóa, các nhà văn, nhà thơ ở quê tôi cũng chỉ biết Xuân Diệu có bài “Cha ở đàng ngoài mẹ ở đàng trong” là viết về Hà Tĩnh.
Ông còn có một bài khác nữa là “Em gái Hương Khê”. Có lẽ do điều kiện thời ông sống khó khăn về viết và xuất bản. Tôi thì khác, viết về quê hương nhiều. Năm ngoái nhân huyện nhàkỷ niệm 550 năm địa danh Thiên Lộc – Can Lộc, tôi in tập thơ “Câu hát tìm anh”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, gồm 99 bài. Quê tôi có Ngàn Hống 99 ngọn nên tôi chọn 99 bài.
Có lẽ do ám ảnh lời kêu ca về sinh đẻ của Xuân Diệu mà sau này lấy vợ, vợ chồng tôi cũng chỉ đẻ một cháu. (Cười).
* Ông được người trong giới văn học, cũng như độc giả biết đến có lối thơ gần gũi, ngôn ngữ mang phong cách riêng của người xứ Nghệ. Tại sao ông lại chọn phong cách này?
- Quê hương mỗi người chỉ một, đương nhiên rồi. Với ai cũng vậy thôi. Với tôi, quê hương sâu nặng, ân tình. Theo tôi, đời người có nhiều việc nhưng báo hiếu cha mẹ và trả nghĩa quê hương là hai việc phải làm tận tâm. Đó là hạnh phúc, nếu làm được. Quê hương xứ Nghệ với tôi vừa mộc mạc, cụ thể, nhưng cũng đầy lãng mạn. Ở đó còn có những điều thiêng liêng: “quê là đôi mắt em tôi/ là vàng quả duối ngày tôi tặng nàng/ quê là một chuyến đò sang/ người về bên ấy tôi sang bên này…”, (Khái niệm 1, Câu hát tìm anh).
Vì thế, đề tài về quê hương trong thơ tôi đậm nét. Thậm chí, tôi sử dụng khá nhiều phương ngữ Nghệ. Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh nhận xét thơ tôi là “căn cước xứ Nghệ”. Tôi tự hào về điều này.
Thắp hương tại Nhà lưu niệm Xuân Diệu. Ảnh Ngô Đức Hành |
* Về đời tư, mà ở đây chuyện yêu đương của Xuân Diệu, ông biết nhiều không. Có người đồn đoán Xuân Diệu đồng tính, và có tình cảm đặc biệt với Huy Cận, ông có cho rằng sự đồn đoán đó là bịa đặt?
- Nhà thơ Xuân Diệu như anh biết, dưới góc độ đời tư thì ông cực kỳ bất hạnh. Ông không làm được “nghĩa vụ đàn ông”. Như anh biết đấy, Xuân Diệu có cưới vợ đấy chứ. Vợ ông là bà Bạch Diệp sau này là nghệ sỹ nhân dân Bạch Diệp. Chuyện hai người chia tay, NSND Bạch Diệp đã nói rồi, tôi không nhắc lại.
Cuối đời Xuân Diệu không có vợ, không có con. Ông sống độc thân cho đến lúc mất, vào năm 1985, lúc 69 tuổi. Sau khi ông, kể cả Huy Cận mất thì mọi người mới bắt đầu “dệt gấm thêu hoa” về chuyện đồng tính của Xuân Diệu.
Nhà văn Tô Hoài trong “Cát bụi chân ai”, xuất bản năm 1993 tại Hà Nội, kể rằng, trước năm 1945, ông được gặp Xuân Diệu vài lần, lần nào cũng diễn ra cái cảnh: “Xuân Diệu và Huy Cận lên Nghĩa Đô, ở chơi cả buổi và ăn cơm. Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động. Tôi sướng mắt nhìn tập thơ Thơ thơ khổ rộng nhà in Trung Bắc phố Hàng Buồm. Hai chữ Xuân Diệu nét chì sắc gọn, không phải chữ gỗ dẹp đét.
Thỉnh thoảng, Xuân Diệu lại lên nhà tôi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi”. (tr. 168-69). Con người thường cho phép suy diễn quá mức cho phép như vậy. Xuân Diệu và Huy Cận có sống lại được đâu để thanh minh cho quan hệ giữa hai người?
Nhân đây tôi cũng xin nói rằng, quan hệ giữa Xuân Diệu và Huy Cận rất đặc biệt, mọi người đều đã biết. Riêng chi tiết này thì mọi người chưa biết: Huy Cận lấy em gái cùng cha khác mẹ của Xuân Diệu, dù bà sinh sau nhưng con bà cả nên gọi Xuân Diệu là anh hay là em đều đúng.