Việc ký Quyết định của ông Hải khác hẳn và trái ngược với hành vi của ông Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khi đã có hình thức kỷ luật về Đảng nhưng vẫn ký quyết toán một công trình dự án tiền tỷ. Đành rằng, ông vẫn đang tại vị, chưa bị cách chức, chữ ký của ông vẫn có giá trị pháp lý nhưng ở vào tình trạng như vậy mà xác nhận việc liên quan đến tiền thì khó có thể chấp nhận được. Ứng xử kiểu này, dân gian gọi hành vi đó là “cố đấm ăn xôi”. UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhận thấy điều đó và ngay lập tức hủy cái Quyết định do ông ký này và giao nó cho một Phó Chủ tịch khác.
Tương tự với việc “cố đấm ăn xôi”, trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp các vị thủ trưởng sắp về hưu ký một loạt các quyết định bổ nhiệm và tiếp nhận công chức, viên chức ở cơ quan mình. Hành vi này phổ biến đến nỗi tạo ra một hình ảnh “chuyến tàu vét” đầy phản cảm và không văn hóa, phản ảnh thực chất tư cách và phẩm chất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Ông Hải xin từ chức vì lòng tự trọng với lời hứa của mình và vẫn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại đụng chạm với các “thế lực ngầm” trong khi chờ đợi quyết định từ cấp trên và hẳn rằng chữ ký của ông vẫn có hiệu lực kể cả khi ông được chấp nhận việc từ chức và không làm công việc này nữa. Hành vi ứng xử này nó thể hiện phẩm giá con người ông.
Trái lại, có những cán bộ đứng trước nguy cơ bị kỷ luật cách chức là lập tức bỏ bê nhiệm vụ, điển hình như trường hợp của Giám đốc “trẻ nhất nước” ở Quảng Nam, nghe tin mình bị kỷ luật liền không đến nhiệm sở, bê trễ những công việc thuộc trách nhiệm của mình. Hành vi này cũng chứng tỏ bản chất con người anh ta bởi trước đó, cũng chính vì việc bỏ sinh hoạt Đảng trong một thời gian dài dẫn đến bị kỷ luật ngày hôm nay.
Hành vi bất chấp danh dự và sự đàm tiếu của dư luận để đạt được mục đích của mình một cách không quang minh chính đại, tiếc thay, lại xảy ra ở những người cán bộ lãnh đạo mà lẽ ra họ phải giữ được sự tôn trọng của cấp dưới và nhân dân.