Ông Đinh La Thăng sắp bị xét xử những tội danh nào?

Ông Đinh La Thăng sắp bị xét xử những tội danh nào?
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng và 6 bị can khác đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), đồng thời phân công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự này.

7 bị can trong vụ án này gồm: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN); Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN); Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN); Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN); Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN); Phan Đình Đức (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh còn bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cáo trạng, 7 bị can có tên nêu trên đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông.

Cụ thể, bị can Đinh La Thăng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng đã có hành vi ký Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Như vậy, bị can Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. 

Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%, mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trái quy định tại khoản 2 điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào OceanBank. Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng OceanBank.

Đối với bị can Ninh Văn Quỳnh, trong 3 lần Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung vốn góp mua cổ phần của OceanBank giai đoạn từ năm 2008 – 2011, Ninh Văn Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo Ban Tài chính kế toán làm các thủ tục, tham mưu, đề xuất trình văn bản liên quan đến 3 lần góp vốn để Ban Tổng Giám đốc PVN và Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên ký. Hành vi của bị can Ninh Văn Quỳnh đã đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của bị can Đinh La Thăng.

Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định: Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2013, Ninh Văn Quỳnh với vai trò Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại OceanBank từ Nguyễn Xuân Sơn. 

Trên cơ sở các báo cáo, đề xuất của Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn đã ký các văn bản và quyết định số 4212/QĐ-DK-VN về việc chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN tại OceanBank là 800 tỷ đồng, để duy trì tỷ lệ 20% vốn điều lệ mới của OceanBank (4.000 tỷ đồng), trái quy định tại khoản 2, Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Hành vi này của bị can Nguyễn Xuân Sơn bị xác định đóng vai trò đồng phạm, giúp sức cùng các bị can khác trong vụ án, gây thiệt hại cho PVN… 

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định truy tố 7 bị can nêu trên ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”./.

Đọc thêm

Đối tượng truy nã “sa lưới” sau 16 năm lẩn trốn

Đối tượng Nguyễn Văn Tâm.
(PLVN) -  Ngày 10/5, CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết đơn vị đã tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Tâm (sinh năm: 1989; thường trú: xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) sau 16 năm trốn truy nã về hành vi Cướp tài sản.

Khởi tố 4 đối tượng trong đường dây nhân viên ngân hàng mua bán, sử dụng giấy tờ giả

Các đối tượng bị khởi tố. Ảnh: CACC
(PLVN) - Điều tra mở rộng đường dây mua bán, làm giả và sử dụng giấy tờ giả liên quan đến nhân viên, cộng tác viên ngân hàng, do Nguyễn Hữu Hoàng (là nhân viên một ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội) cầm đầu, cơ quan điều tra khởi tố thêm 4 đối tượng về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đăng ký khóa học hè trên mạng

Nhiều fanpage giới thiệu khóa học hè có dấu hiệu lừa đảo. Ảnh CACC.
(PLVN) - Để tránh sự nghi ngờ của nạn nhân khi những thủ đoạn về “thực hiện nhiệm vụ” đã được tuyên truyền nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đối tượng chuyển sang yêu cầu thực hiện các “khảo sát” chấm điểm tín nhiệm và chiếm đoạt tiền của bị hại.

Bắt giữ đối tượng bị truy nã đặc biệt

Bắt giữ đối tượng bị truy nã đặc biệt
(PLVN) - Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với công an huyện Kông Chro mới bắt giữ đối tượng truy nã Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1980; trú tại làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) về hành vi khai thác gỗ trái phép.

3 cán bộ ở Phú Quốc ra đầu thú vì nhận hối lộ

Ngô Thanh Tân giao nộp số tiền đã nhận hối lộ từ Công ty LHĐ.
(PLVN) - Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận 3 trường hợp nguyên đội trưởng quản lý bảo vệ rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc đến đầu thú và giao nộp số tiền nhận hối lộ từ Công ty TNHH tư vấn đầu tư và phát triển LHĐ (Công ty LHĐ).

Cẩn trọng với ứng dụng VNeID giả mạo.

Cẩn trọng với ứng dụng VNeID giả mạo.
(PLVN) -Thời gian qua, tỉnh Bình Dương và nhiều địa bàn xuất hiện các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách giả danh cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh và các đơn vị công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.