Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố vụ án thứ hai

(PLO) - Ngày 21-12, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án thứ hai về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Đồng thời, đề nghị truy tố 22 bị can với các tội danh nêu trên. Trong đó, có ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn PVN cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 bị can bị khác bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Còn 2 bị can gồm Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh nêu trên.

Ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng.

Trong vụ án thứ hai này, đối với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" gồm các bị can: Đinh La Thăng; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc PVC; Trương Quốc Dũng, Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC; Lê Đinh Mậu, nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và kiểm toán Tập đoàn PVN; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc Tập đoàn PVN; Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PVC; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN; Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN; Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN.

Riêng đối với ông Đinh La Thăng, đây là lần thứ 2 ông bị đề nghị truy tố. Trước đó, ngày 19-12, ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm khác đã bị Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn PVN.

Bị can Phùng Đình Thực.

Bị can Phùng Đình Thực.

Đối với nhóm tội "Tham ô tài sản" gồm các bị can: Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Lê Xuân Khánh, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ Tổng Công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng; Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa; Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC; Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.

Tháng 12-2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm Tổng Giám đốc, sau là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PVC. Tháng 2-2009, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng Công ty Sông Đà về làm Phó Tổng Giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn; kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các công trình, dự án được Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, PVC không đảm bảo khả năng thanh khoản, gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trả nợ; toàn bộ tài sản ngắn hạn không đủ bù đắp nợ ngắn hạn.

Bên cạnh đó, cuối năm 2010, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn của Tập đoàn PVN, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVC phải nhận lại các khoản đầu tư từ các đơn vị của PVN, trong đó hầu hết là các khoản đầu tư tại các dự án đang gặp khó khăn về tài chính, dừng hoạt động, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, kinh doanh thua lỗ... làm cho PVC tiếp tục bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng, thiếu vốn hoạt động và trả nợ gốc, nợ lãi ngân hàng.

Bị can Trịnh Xuân Thanh.
Bị can Trịnh Xuân Thanh.

Tiếp đó, ông Đinh La Thăng đã chỉ định cho PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và yêu cầu bị can Nguyễn Quốc Khánh thúc ép Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký hợp đồng số 33/PVPower-PVC/2011/EPC (Hợp đồng số 33) với PVC trái quy định. Hợp đồng số 33 quy định về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra, thử nghiệm, cung cấp, đóng gói, vận chuyện, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hóa, bảo hiểm, xây dựng, lắp đặt, bảo hành công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và gói thầu "EPC xây dựng nhà máy chính" thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Qua hợp đồng này, các bị can đã dùng để tạm ứng số tiền 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng từ PVPower. 

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến đẩy nhanh việc ký hợp đồng tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; ký Hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng số tiền trên. 

Sau khi tạm ứng được số tiền này, bị can Trịnh Xuân Thanh không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà đã chỉ đạo sử dụng 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng đi trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng, đầu tư góp vốn vào các đơn vị, dự án khác...  gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số gần 120 tỷ đồng (trong đó, việc tạm ứng cho PVC theo Hợp đồng số 33 đã gây thiệt cho Nhà nước 51 tỷ đồng; việc PVC sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích gây thiệt hại hơn 68 tỷ đồng).

Việc chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký Hợp đồng số 33 trái quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Điều 4 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP; sau đó chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC trái khoản 2, khoản 6 Điều 17 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền gần 120 tỷ đồng của ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận và các đồng phạm đã vi phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị can Vũ Đức Thuận.
Bị can Vũ Đức Thuận.

Ngoài ra, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PVC, bị can Trịnh Xuân Thanh còn cùng bị can Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc PVC chỉ đạo bị can Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trịnh Xuân Thanh được hưởng lợi 4 tỷ đồng; Vũ Đức Thuận được hưởng lợi 800 triệu đồng. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận còn phạm vào tội "Tham ô tài sản".

Đối với ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN mới bị cơ quan ANĐT khởi tố ngày 20-12 vừa qua. Trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Phùng Đình Thực đã thực hiện sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, yêu cầu Nguyễn Quốc Khánh thúc ép PVPower ký Hợp đồng số 33 với PVC trái quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 85/2009/NĐ-CP; Điều 4 Luật Đấu thầu... gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng cho Nhà nước. Bị can đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đọc thêm

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Bắt giữ Giám đốc Công ty BĐS Song Vi VN Group

Đối tượng Bùi Văn Hải tại Cơ quan Công an (Ảnh: CATH).
(PLVN) - Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, đơn vị vừa bắt giữ một đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tài chính đầu tư dự án bất động sản.

Bắt giam Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ

Cơ quan công an đọc lệnh bắt Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ.
(PLVN) - Ngày 10/1, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ và Cao Tiến Hạnh, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, với cùng tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.