Người sáng lập Wikileaks, Julian Assange đã thề “tiếp tục công việc của tôi và bảo vệ sự vô tội của tôi” ngay sau khi được trả tự do nhờ nộp tiền bảo lãnh.
Ông Assange giơ cao hồ sơ của tòa án cho các nhà báo thấy, sau khi ông được phép tại ngoại |
Assange được tự do sau khi một tòa án tại London hôm qua ra phán quyết cho phép ông trả tiền bảo lãnh để tại ngoại.
Trong một tuyên bố ngắn đưa ra khi bước xuống các bậc thềm tòa án, ông Assange nói là sẽ tiếp tục công việc và nói rằng ông vô tội trong vụ án này. Ông đã cảm ơn “tất cả những người khắp thế giới đã có lòng tin” với ông. Ông cũng bày tỏ quyết tâm tiếp tục công bố những hồ sơ mật.
Ông chủ trang mạng đang gây xôn xao dư luận thế giới này đã được quyết định trả tiền bảo lãnh để tại ngoại 3 ngày trước đây, nhưng quyết định này đã bị các công tố viên phản đối.
Trong phiên xử hôm qua, Tòa án cấp cao của London đã bác đơn kháng án của các công tố viên Thụy Điển, nơi ông Assange bị truy nã về các cáo buộc cưỡng hiếp. Người phụ trách pháp lý của Văn phòng Công tố viên Thụy Điển Nils Rekke cho báo giới biết rằng ông không có phản ứng trước phán quyết của tòa án Anh, và rằng Thụy Điển không can thiệp vào quá trình tố tụng.
Thẩm phán Duncan Ouseley đã đồng ý phóng thích ông Assange với các điều kiện ông phải đóng tiền thế chân hơn 300.000 USD, cộng với hai người đứng ra bảo đảm phải đóng một khoản tiền khoảng 62.500 USD.
Ông cũng phải đeo một thiết bị điện tử để nhà chức trách theo dõi, phải trình diện cảnh sát hàng ngày, và cư ngụ tại nhà của ông Vaughan Smith, một cựu sĩ quan Anh và cũng là người ủng hộ WikiLeaks.
Ông Assange bị giữ ở nhà tù Wandsworth tại London kể từ hôm 7/12, sau khi đầu thú chính quyền.
Hôm 15/12, một thẩm phán đã yêu cầu trả tiền bảo lãnh để đổi lấy tự do cho ông Assange, nhưng các luật sư đại diện cho các công tố viên Thụy Điển cho rằng ông này có thể bỏ trốn và không nên được cho phép trả tiền bảo lãnh để tại ngoại.
Từ hôm đó, ông Assange vẫn bị giam để chờ ngày ra tòa hôm qua.
WikiLeaks đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật kể từ khi đi vào hoạt động hồi năm 2006, khiến các chính phủ khắp thế giới tức giận.
Lần mới nhất, Wikileaks công bố hàng nghìn công điện ngoại giao mật của Mỹ.
Dân Trí