Ông chồng vô trách nhiệm “ngơ ngác” trong phiên tòa ly hôn

Người vợ tố chồng hay say xỉn đánh vợ nên nhất quyết đòi ly hôn (Hình minh họa)
Người vợ tố chồng hay say xỉn đánh vợ nên nhất quyết đòi ly hôn (Hình minh họa)
(PLO) - Đến tận chốn pháp đình để “khai tử” hôn nhân, người chồng trong sự việc này vẫn còn tỏ ra ngơ ngác không hiểu, vì sao tổ ấm mình phải vỡ.

Bị vợ “tố” bạo hành, người chồng có chút xấu hổ. Anh bảo nhiều lúc vợ chồng cãi nhau, vợ anh cứ nói dai, nói dài, nói mãi. Anh bảo vợ im. Vợ càng nói. Tức không chịu được mới tát vợ mấy cái. “Tôi có chút bia trong người, nên thiếu kiềm chế, dễ nổi nóng. Vợ tôi biết vậy, nhưng cứ hễ tôi có tí bia trong người, về nhà muộn một chút là càm ràm, nói mãi, nói mãi. Nhiều lúc bức xúc không chịu được, tôi mới đánh cô ấy, nhưng thực ra không gây thương tích gì nghiêm trọng”.

“Thương sao còn đánh?”

Buổi sáng một ngày đầu tháng 11/2017, trời mưa như trút nước. Mảng tường trên tầng 2 TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vì thấm nước mưa do mấy cơn gió tạt vào, đã chuyển hẳn sang màu vàng sậm. Người vợ (35 tuổi, nguyên đơn trong vụ án ly hôn) đến tòa từ rất sớm. Chị đứng ngẩn ngơ nơi hành lang. Gió mỗi lúc một lớn, thổi thông thốc vào hành lang, mang theo những hạt mưa lạnh lẽo. Người phụ nữ vẫn đứng bất động. Phải đến lúc tiếng chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu, chị mới như choàng tỉnh, lặng lẽ bước vào phòng xét xử.

Người chồng (cùng 35 tuổi, bị đơn trong vụ án), đến tòa rất đúng giờ. Khác với lời “tố” của người vợ về một ông chồng vũ phu, một tên nát rượu, anh có vẻ ngoài bảnh trai, ăn mặc chỉn chu, lịch sự. Lời nói cũng nhẹ nhàng, dễ dàng lọt tai người khác, chứ chẳng phải cộc cằn, thô lỗ như người vợ bày tỏ. Người đàn ông trình bày với hội đồng xét xử: “Lúc tôi nhận được giấy triệu tập của tòa, mời đến tòa án để giải quyết việc ly hôn, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Tôi còn tưởng có người trùng tên với tôi, nên tòa đưa nhầm. Cuộc sống của vợ chồng tôi trước nay rất yên ổn, nên tôi không hiểu vì lý do gì vợ tôi phải đâm đơn ra tòa đòi ly hôn”. 

Anh bộc bạch, vợ chồng sống với nhau, chung đụng mỗi ngày, đôi khi xảy ra tiếng bấc tiếng chì là lẽ đương nhiên. Có nhiều lúc, vợ anh cũng đòi ly hôn. Nhưng anh nghĩ, trong cơn nóng giận, vợ buột miệng nói càn, “dọa” chồng chứ trăm ngàn lần cũng không dám ly hôn thật. Theo anh, những mâu thuẫn xảy ra giữa hai vợ chồng chỉ là nhỏ nhặt, vặt vãnh. Anh làm chồng hơn 5 năm nay, “chưa hề phạm phải những lỗi lầm gì lớn, đến nỗi để vợ phải đòi bỏ mình”. “Tôi không đồng ý ly hôn”. Bị đơn nói chắc như đinh đóng cột.

Thẩm phán hỏi: “Những mâu thuẫn anh cho là vặt vãnh, cụ thể như thế nào?”. Bị đơn trình bày, mình là đàn ông, nên nhiều lúc sau giờ tan sở, cũng tụ tập với anh em, bạn bè, đồng nghiệp lai rai chút rượu bia. Anh vốn là công chức nhà nước, lương cũng chỉ ba cọc ba đồng. Những cuộc vui như thế cứ tiếp diễn, vài lần trong một tuần thì đến cuối tháng chẳng còn đồng nào mang về cho vợ. 

Tiền đã không đưa được về cho vợ để nuôi con cái, anh còn thỉnh thoảng ngửa tay xin vợ tiền đổ xăng mỗi khi cháy túi. Vợ ấm ức cằn nhằn, gây gổ. “Cô ấy nói tôi không có trách nhiệm với gia đình. Đã vậy càng ngày lại càng lạnh nhạt với tôi hơn. Có khi, vợ chồng cãi nhau, cô ấy còn nhìn tôi như nhìn kẻ thù. Nhưng tôi nghĩ, đó là chuyện vặt vãnh giữa hai vợ chồng. Vợ chồng giận hờn nhau, ghét dăm ba bữa lại thương yêu như trước, ai chẳng vậy”, bị đơn nói.

Bị đơn cho hay, vợ chồng anh có hai con chung, đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi. Anh không muốn con cái còn nhỏ, đã sớm chịu cảnh tan đàn xẻ nghé. Vì vậy, người đàn ông trước sau như một, nhất quyết không đồng ý ly hôn. Anh cũng khẳng định trước tòa, mình còn yêu thương vợ, nên không muốn ly hôn.

“Yêu thương vợ, mà anh đánh đập vợ như cơm bửa?”. Người vợ tức tối. Chị bảo, vợ chồng mình từ lâu đã không còn tình cảm, nên nhất nhất đòi ly hôn cho bằng được. “Anh yêu thương gì tôi đâu, mà không chịu ly hôn. Vợ chồng mâu thuẫn, nói qua nói lại vài câu, anh đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Tôi không thể chịu đựng, nhẫn nhục thêm được nữa”. 

Bị vợ “tố” bạo hành, người chồng có chút xấu hổ. Anh bảo nhiều lúc vợ chồng cãi nhau, vợ anh cứ nói dai, nói dài, nói mãi. Anh bảo vợ im. Vợ càng nói. Tức không chịu được mới tát vợ mấy cái. “Tôi có chút bia trong người, nên thiếu kiềm chế, dễ nổi nóng. Vợ tôi biết vậy, nhưng cứ hễ tôi có tí bia trong người, về nhà muộn một chút là càm ràm, nói mãi, nói mãi. Nhiều lúc bức xúc không chịu được, tôi mới đánh cô ấy, nhưng thực ra không gây thương tích gì nghiêm trọng”.

Người vợ lúc này lại rơm rớm nước mắt bảo chồng nửa đêm dùng thắt lưng, quật vào người chị, không biết bao nhiêu là vết bầm tím, vậy mà… Chị còn chưa nói hết câu, anh chồng đã quay sang vợ trừng mắt, như thể ra dấu vợ không được “khai”. Người vợ cũng trừng mắt nhìn lại chồng, nhưng rồi cũng im lặng, chỉ thút tha thút thít khóc.

“Hết chịu được”

Người vợ kể, chị và chồng bằng tuổi nhau. Cả hai năm nay mới xấp xỉ tuổi 35. Hai người trước đây là bạn học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp trung học, chị vào Sài Gòn học đại học. Tốt nghiệp đại học, không muốn phải sống cảnh xa quê, nên sau mấy năm bươn chải ở đất khách quê người, chị quyết định về quê lập nghiệp. Quen sống trong môi trường năng động, nên chị cũng trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi trở về Huế, chị nhanh chóng tạo dựng các mối quan hệ, công việc làm ăn cũng vậy mà thuận buồm xuôi gió. 

Anh học đại học ở quê. Sau khi tốt nghiệp, vất vưởng một thời gian cũng chen chân được vào làm ở UBND phường. Đồng lương ba cọc ba đồng còn không đủ anh tiêu xài. Mọi chi phí trong gia đình, đều mình chị cáng đáng hết. Nhiều lúc thấy chồng chẳng lo được gì cho vợ con, chị cũng buồn. Nhưng rồi lại nghĩ, “sông có khúc, người có lúc”, thời vận của chồng còn chưa đến, thì đành chịu. Chị kiếm được tiền, thì chẳng nề hà gì mà quán xuyến, đứng ra gánh vác cả gia đình.

Chị bảo, lần đầu tiên gặp lại anh kể từ sau ngày tốt nghiệp cấp ba, lúc đó chị đang dẫn cháu đi siêu thị. Đứa cháu chạy loăng quăng trong siêu thị thì bị ngã, không ngờ anh nhìn thấy nên ân cần chăm sóc. Chị đứng từ đằng xa nhìn những hành động của anh, tim bất chợt cũng rung rinh. Chị nghĩ anh là người đàn ông biết quan tâm, chăm sóc người khác nên mới đồng ý kết hôn. Nhưng chẳng ngờ, 30 tuổi đầu, chị vẫn nhìn nhầm người ta.

Chủ động yêu cầu tòa ly hôn, nhưng gương mặt nguyên đơn lúc nào cũng buồn rười rượi. Chị nói không người vợ nào muốn mất gia đình, muốn tổ ấm của mình tan vỡ. Không có người mẹ nào muốn con của mình “mất” cha. Nhất là khi con của chị còn quá nhỏ. Nhưng chị không thể nhẫn nhịn nữa. Không thể chịu đựng nữa.

Người vợ nhỏ giọng tâm sự, bình thường chồng chị cũng quan tâm vợ con. Nhưng khi có tí bia rượu, hoặc khi công việc không như ý liền nổi cáu, gắt gỏng. Bao nhiêu bực bội, đều đổ hết lên đầu vợ. Chồng kiếm không được tiền, thì vợ chồng chắt chiu mà sống, miễn cả hai yêu thương nhau là được. Đằng này chồng lại càng ngày càng “thích” đánh đập vợ. Bị chồng thường xuyên bạo hành, dần dần tình cảm chị dành cho chồng cũng cạn kiệt. Chị còn lo sợ sức khỏe, tính mạng của mình bị đe dọa. Vì vậy chị mới yêu cầu tòa được ly hôn. 

Chị biết rất rõ, cha mẹ ly hôn sẽ khiến con cái thiệt thòi. Nhưng nếu để con ngày ngày chứng kiến cảnh ba say xỉn, rồi đánh mẹ, chị chỉ sợ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và nhân cách của các con sau này. Chị cũng không muốn để lại trong tâm trí non nớt của con trẻ những hình ảnh xấu xí. Chẳng còn cách nào để giải quyết ổn thỏa, chị mới đành phải kéo nhau đến tòa “giải tán” tổ ấm của mình.

Trước khi tòa mở phiên xét xử, trong những phiên hòa giải trước đó, thẩm phán từng đưa ra đề nghị, cả hai vợ chồng nguyên đơn và bị đơn cần điều chỉnh bản thân, nhất là phía bị đơn, để giữ lại cho hai con trẻ một tổ ấm đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Bởi các cháu đều còn nhỏ, cần được nuôi dưỡng và phát triển tốt về cả thể chất lẫn tinh thần. Một gia đình tan vỡ, không phải là điều kiện tốt để con cái trưởng thành.

Tuy nhiên nguyên đơn vẫn khăng khăng không đồng ý. Theo nguyên đơn, trong quá trình sống chung, những hành xử của chồng (trong chuyện vợ chồng) mới thực sự là điều khiến chị kinh sợ. Còn kinh sợ hơn cả những cái bạt tai của chồng. Bao nhiêu năm qua, chị đã phải hứng chịu cảm giác nhục nhã vì bị chồng coi như một đồ vật để phát tiết. Tình cảm với chồng vì vậy mà dần biến mất. Chị nhất định xin ly hôn. Chị cũng xin được trực tiếp chăm sóc cả hai con mà không yêu cầu chồng phải đóng góp khoản tiền cấp dưỡng. “Cha các cháu dù chung sống dưới một mái nhà, nhưng bao năm qua, chưa từng đóng góp một đồng để nuôi bọn trẻ”, mặt người phụ nữ buồn rười rượi.

Nhận thấy người vợ không còn tình cảm với chồng. Xét mục đích hôn nhân của hai vợ chồng không đạt được, tòa án quyết định cho cả hai ly hôn. Người chồng cũng đồng ý để vợ nuôi cả hai con, vì vậy tòa giao cả hai đứa con cho người vợ nuôi dưỡng. Sau phiên tòa, người vợ lặng lẽ đội mưa ra về. Người chồng tần ngần đứng nơi hành lang nhìn theo bóng người vợ, mà từ giờ trở đi đã trở thành vợ cũ, mặt vẫn tỏ ra không phục: “Sao lại như vậy. Tôi không ngoại tình, không phản bội vợ là tốt rồi. Những chuyện nhỏ nhặt kia, thì kể làm gì, sao có thể khiến gia đình tôi đổ vỡ”.

Tin cùng chuyên mục

Công an tỉnh Thanh Hóa thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (Ảnh: Cổng TTĐT Công an Thanh Hóa).

Thu hồi Giấy chứng nhận an ninh, trật tự của Công ty có vệ sĩ phân luồng giao thông cho đám cưới ở Thanh Hóa

(PLVN) - Ngày 15/12, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP.Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa (SN 1973, trú tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định) đứng tên làm Giám đốc.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.