*Việt Nam chờ Vàng ở Cầu mây nữ
Sau ngày thi đấu thứ 11 (23-11), thứ hạng của 3 đoàn dẫn đầu vẫn không thay đổi khi số HCV của đoàn chủ nhà Trung Quốc vượt so với đoàn thứ nhì Hàn Quốc ở mức 100 chiếc. Đoàn thứ ba Nhật Bản chỉ mới đạt khoảng 50% số HCV so với Hàn Quốc. Trong khi đó, sau khi đô cử người Mông Cổ Ganzorig Mandakhnaran (Mông Cổ) giành tấm HCV Vật tự do (hạng cân 60 kg nam), đoàn Thể thao Việt Nam đã bị tụt thêm một bậc ở bảng xếp hạng để đứng ở vị trí 26 trong số 34 đoàn đã giành huy chương.
Niềm vui của Thanh Hằng sau khi giành HCB nội dung 1.500 mét nữ. |
Ngày thi đấu thứ 11 ghi nhận thêm một tín hiệu vui của Điền kinh Việt Nam với tấm HCB quý giá do Trương Thanh Hằng giành được trên đường chạy 1.500 mét nữ. Dù rất nỗ lực song Thanh Hằng vẫn không thể vượt qua VĐV Bahrain và là ngôi sao chạy cự ly trung bình hàng đầu thế giới Jaman Maryam Yusuf Isa với 4 phút 08 giây 22 và giành HCV. Tuy nhiên, thành tích 4 phút 09 giây 58 không chỉ mang lại tấm HCB danh giá mà đó còn là kết quả tốt nhất trong sự nghiệp của Thanh Hằng khi thành tích cao nhất trước đó của cô là 4 phút 11 giây 60. Gebregeiorges Mimi Belete (cũng của Bahrain) đoạt HCĐ với thành tích 4 phút 10 giây 42.
Cũng trên sân điền kinh, sau khi giành HCĐ 100 mét, Vũ Thị Hương cùng Lê Thị Mộng Tuyền, Lê Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Thắm đã tham gia thi đấu nội dung tiếp sức 4 x 100 mét nữ. Ở nhóm 1 vòng loại, đội tuyển Việt Nam đã giành quyền vào thi đấu chung kết (chiều nay, 24-11) khi xếp thứ nhì của nhóm với thành tích 45 giây 12, sau Thái Lan (44 giây 42). Bên cạnh đó, các đội tuyển nữ Nhật Bản (với thành tích 44 giây 73, đứng đầu nhóm 2) và Trung Quốc (44 giây 78, đứng nhì nhóm 2) sẽ là những đối thủ rất đáng ngại cho đội tuyển tiếp sức 4 x 100 mét nữ của chúng ta.
Cũng trong chiều nay, Vũ Thị Hương tiếp tục thi đấu nội dung 200 mét nữ. Tuy nhiên, khi chỉ đạt thành tích tốt nhất 23 giây 30 ở nội dung này, không dễ để Vũ Thị Hương tái lập thành tích giành huy chương. Bởi trên đường chạy này, VĐV Việt Nam phải đối đầu cùng Fukushima Chisato (Nhật Bản, thành tích ổn định với 22 giây 89 ), Takahashi Momoko (Nhật Bản, thành tích dao động 23 giây 15 - 23 giây 17), Khubbieva Guzel (Uzbekistan, 23 giây 16 - 23 giây 21) hay Liang Qiuping (Trung Quốc, 23 giây 43) và Lwin Kay Khine Lwi (Malaysia, 23 giây 80). Trong khi đó, thành tích tốt nhất trong năm của Vũ Thị Hương chỉ ở mức 23 giây 73.
Đội cầu mây nữ Việt Nam cũng giành chiến thắng thứ nhì khi đánh bại Trung Quốc 2-0 và giành quyền vào tranh HCV cùng đội tuyển Thái Lan, sau khi đội tuyển này cũng có trận thắng thứ 2 trước Myanmar (2-0). Trận chung kết diễn ra vào chiều nay (24-11) được xem là hy vọng lớn nhất để đoàn Thể thao Việt Nam có thể giành được tấm HCV đang được chờ đợi tại Asian Games 16, trong bối cảnh cơn khát Vàng của Thể thao Việt Nam chưa được giải tỏa.
Trong ngày hôm qua (23-11), ngoài tin vui còn lại khi ở nội dung Canoe 200 mét cá nhân, Trần Văn Long đã giành quyền vào chung kết thì đôi nam Kayak 1.000 mét nam Nguyễn Văn Chi - Nguyễn Thanh Quang chỉ xếp hạng 6 và bị loại. Đội tuyển cờ Vua nam hòa Kazakhstan 2-2, tiếp tục đứng hạng 7/17 và đội tuyển cờ Vua nữ thắng Turkmenistan 3,5-0,5, tạm vươn lên hạng 4/12, cùng 8 điểm với đội hạng 3 Uzbekistan và kém 2 đội dẫn đầu Trung Quốc và Ấn Độ 3 điểm. Ở trận đấu xếp hạng 15-15, đội tuyển bóng chuyền nam tiếp tục gây thất vọng sau thất bại 1-3 trước Turkmenistan.
Đến 20 giờ 30 ngày 23-11, Trung Quốc vẫn giữ vững ngôi số 1 (165 HCV, 85 HCB, 79 HCĐ), vượt xa 2 đoàn thứ nhì Hàn Quốc (64 HCV, 55 HCB, 74 HCĐ) và thứ ba là Nhật Bản (34 HCV, 64 HCB, 68 HCĐ).
Dù vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á nhưng Thái Lan (7 HCV, 7 HCB, 26 HCĐ) đã tụt xuống hạng 9 trong khi Malaysia (6 HCV, 13 HCB, 8 HCĐ) ở vị trí thứ 10. Đoàn Indonesia tiếp tục giành thêm 1 HCB (4 HCV, 8 HCB, 10 HCĐ) để xếp hạng 13, đẩy Singapore xuống thứ 14 với 4 HCV, 6 HCB, 6 HCĐ. Dù giành thêm 1 HCB (12 HCB, 12 HCĐ) nhưng đoàn Thể thao Việt Nam vẫn không thể cải thiện thứ hạng và đã tụt xuống hạng 26.
BẢO AN