Đến kỳ thực tập, sinh viên (SV) lại băn khoăn với hàng chục câu hỏi: Xin thực tập ở đâu? Làm gì ở nơi thực tập? Nếu không xin được chỗ thực tập, mình phải làm sao? Gặp khó khăn khi đi thực tập, nên hỏi ai? Và sau đây là tâm sự của một SV chưa biết phải đi đâu, về đâu trong kỳ thực tập.
SV mong muốn các giảng viên hỗ trợ nhiều hơn để họ không phải lo lắng tìm chỗ thực tập |
Bao nhiêu vui mừng, bỡ ngỡ, tự hào của chúng tôi từ những ngày đầu bước vào đại học tan biến theo năm tháng vì lo lắng việc thi cử và học tập. Những nụ cười trên môi chúng tôi vơi hẳn khi bước vào năm học cuối, khi chúng tôi phải đi tìm nơi thực tập để chuẩn bị ra trường. Vì chúng tôi là những SV khóa đầu tiên của ngành học, nên không thể tham khảo ý kiến từ những SV khóa trước về việc tìm nơi thực tập như thế nào cho phù hợp.
Cứ ngỡ với ngành học mới, tổng hợp nhiều lĩnh vực, chúng tôi sẽ dễ dàng tìm được chỗ thực tập. Nhưng khi SV đến xin thực tập, các cơ quan, công ty đều yêu cầu chuyên ngành cụ thể để phân công việc. Điều ấy khiến chúng tôi thực sự hoang mang và đặt ra nhiều câu hỏi: Mình thực tập ở đâu là phù hợp với ngành học? Cơ quan mình xin có chịu nhận mình hay không và mình sẽ làm những gì ở đó? Liệu kiến thức mình học được ở trường có thể áp dụng vào công việc hay không? Những thắc mắc ấy được thầy cô giải đáp một cách mơ hồ. Thầy cô bảo, cứ có chỗ xin vào là được, không cần phải thực tập đúng ngành học.
Nỗi lo lắng càng tăng lên khi chúng tôi được thông báo phải tự mình tìm nơi thực tập. Biết làm sao khi chúng tôi chỉ là những SV với mối quan hệ xã hội còn hạn chế. Nỗi lo lắng ấy luôn hiện hữu trong không khí của lớp. Những câu chuyện vui sau tiết học được thay bằng những lời bàn tán, trao đổi với nhau xung quanh vấn đề thực tập. Khuôn mặt đứa nào cũng xanh xao vì thiếu ngủ và âu lo cho riêng mình. Trong tâm trí tôi không lúc nào không suy nghĩ: Mình có thể nhờ ai xin cho mình? Tôi sụt cân, gầy đi thấy rõ vì mất ngủ và bi quan.
Trong ảnh: SV Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng trong một buổi thực hành môn Ký họa. (Ảnh: HẰNG VANG) |
Có những bạn may mắn tìm được chỗ thực tập nhờ vào mối quan hệ của họ hàng, gia đình, nhưng cũng không ít trường hợp có chỗ thực tập mà vẫn chưa thực sự hài lòng. Một người bạn của tôi tên L.T.L tâm sự, gia đình bạn không có ai làm liên quan đến ngành học, nên L. phải tự lo chuyện thực tập. L phải tự đến những nơi mà bạn thấy phù hợp với ngành học xin phỏng vấn, nhưng khi vào cơ quan thực tập thì công việc không đúng với mong muốn của L. Thời gian “tiền thực tập”, chúng tôi thực sự rơi vào cảnh “bèo trôi sông”, và chỉ mong nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô nhưng hy vọng ấy thật mong manh khi thời gian thực tập đã cận kề. Ngay khi đã có chỗ thực tập, tôi cũng chưa hết hoang mang, vì các anh chị trong cơ quan rất bận rộn, không thể chỉ vẽ cặn kẽ cho tôi từng thứ. Thành ra, tôi lại tiếp tục... bơi.
Thực tập là phần rất quan trọng trong quá trình học tập, và tự mình tìm nơi thực tập với những sinh viên ngành học mới là cực kỳ khó khăn. Một người bạn tôi học ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến kỳ thực tập, SV đăng ký chỗ thực tập dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sau đó các giảng viên sẽ đến liên hệ với các cơ quan cho SV vào thực tập. Mọi khó khăn, khúc mắc của SV được giải quyết qua email, điện thoại hoặc gặp trực tiếp, giúp SV không mấy bối rối về chuyện thực tập. Mong rằng thầy cô sẽ có nhiều buổi trao đổi ý kiến, thắc mắc của SV khóa sau về ngành học, để SV có cái nhìn toàn diện hơn về ngành học và không gặp phải những khó khăn trong việc lựa chọn và tìm kiếm nơi thực tập.
Độc giả quan tâm đến vấn đề thực tập của sinh viên, xin gửi email về địa chỉ chaobantre@gmail.com.
THI THANH