Hầu hết những người nổi tiếng, có tiếng nói trên mạng xã hội đều vào “tầm ngắm” của những người làm quảng cáo và những thương hiệu lớn nhỏ, bởi mỗi lời giới thiệu sản phẩm của họ có tác động lớn đến người tiêu dùng. Không ít trong số đó, vì cát xê quảng cáo mà sẵn sàng đại diện cho bất cứ dòng sản phẩm nào, để đến khi xảy ra chuyện thì chỉ người tiêu dùng là bị thiệt hại.
Nghề “hái ra tiền” của người nổi tiếng
Vụ việc lô hàng 11 tỷ không rõ nguồn gốc của công ty mỹ phẩm TS group bị phanh phui, người tiêu dùng hoang mang, trái lại, hầu hết các diễn viên, ca sĩ từng là “đại sứ thương hiệu” cho các dòng sản phẩm của công ty này lại né tránh việc trả lời dư luận. Nhưng, vụ việc TS Group cũng chỉ là một “bề nổi” của tảng băng chìm của cả một hệ thống kem trộn, mỹ phẩm làm giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường, được sự tiếp tay quảng bá của không ít người nổi tiếng.
Ốc Thanh Vân, nữ nghệ sĩ đa tài, nhiều fan hâm mộ từ lâu đã nổi tiếng là người đại diện thương hiệu cho rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm, trong đó có cả 'hàng xách tay' và nhiều sản phẩm chưa minh bạch về nguồn gốc. Thậm chí, nhiều người trong nghề mỹ phẩm còn đặt cho nữ diễn viên này biệt danh là “nàng Ốc kem trộn”, bởi trong số sản phẩm mà Ốc Thanh Vân quảng cáo hoặc trực tiếp bán, có không ít sản phẩm nhiều người đánh giá có công thức như kem trộn.
Lướt thử trên tường trang facebook cá nhân của Ốc Thanh Vân, sẽ thấy đa phần là các bài viết quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm và các dòng sản phẩm khác. Có thể nói, Ốc Thanh Vân là một trong những sao làng giải trí thuộc hàng “top” về số lượng quảng cáo sản phẩm trên facebook.
Còn nhớ, cách đây vài năm, Ốc Thanh Vân đã có một vụ khá “tai tiếng” khi hợp tác, quảng cáo sản phẩm cho một người chuyên bán mỹ phẩm online xách tay. Liên tục trên facebook của mình, Ốc Thanh Vân giới thiệu sản phẩm của người mà nữ diễn viên nhận là “bạn thân”.
Sau đó một thời gian, người bạn của Ốc Thanh Vân bị phát hiện bán hàng giả, kém chất lượng, thậm chí vay tiền và quỵt tiền khắp nơi, nhận tiền nhưng không gửi hàng cho người mua… Lúc này, Ốc Thanh Vân mới lên tiếng thanh minh là mình bị lừa. Tuy nhiên, những người vì tin tưởng uy tín, tên tuổi của nữ diễn viên mà dùng sản phẩm hay dính líu tiền bạc đến người bạn lừa đảo nói trên cũng đành tự chịu, không biết bắt đền ai.
Ốc Thanh Vân là một trường hợp đắt show quảng cáo nổi bật, cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khác cũng có nguồn thu nhập phụ khổng lồ từ việc quảng cáo, làm đại diện thương hiệu sản phẩm. Trong vụ tai tiếng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc của TS group, ngoài Ốc Thanh Vân còn nhiều nghệ sĩ khác cũng tham gia quảng bá cho sản phẩm này: Lã Thanh Huyền, Ngọc Hân, Huyền Lizzie, Jennifer Phạm, Trương Quỳnh Anh, Thuý Diễm, Tâm Tít…
Khi quảng bá cho sản phẩm, những nghệ sĩ này đều đặt mình vào vai người đã từng sử dụng và thấy hiệu quả tốt, thậm chí nhiều người còn bật chế độ live stream để hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng sản phẩm. Chính vì ảnh hưởng lớn từ các “sao” tạo nên độ tin cậy, các sản phẩm của TS Group dù không rõ nguồn gốc, giá bán “trên trời” so với giá gốc vẫn bán chạy như tôm tươi, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty này.
Chị T.T.H. thuộc công ty quảng cáo K.M. chia sẻ, lý do để nhiều khách hàng chọn các KOL (người nổi tiếng) quảng bá cho sản phẩm của mình, đó là độ ảnh hưởng của KOL, lượng fan theo dõi trên facebook lớn… Mức giá cho một bài viết trên facebook là không nhỏ: Dao động từ 5 triệu/ post cho đến vài chục triệu, cả trăm triệu.
Theo chị H., Ốc Thanh Vân, Tâm Tít, Lã Thanh Huyền hay người mẫu Thúy Hạnh… là những “sao” trẻ có ảnh hưởng đến fan nhiều, với mức giá vừa phải (trung bình từ 10 đến 20 triệu/ bài quảng cáo), nên được nhiều nhãn hàng chọn. Một số sao đang “hot” khác có mức giá từ cao đến rất cao, như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm…, mà chỉ có nhãn hàng lớn, “chịu chi” mới dám thuê.
Cần làm rõ có sự tiếp tay lừa người tiêu dùng
Trong số những KOL nhận quảng bá sản phẩm, đại diện thương hiệu, ngoài mức giá ra, một cách khác để phân biệt đẳng cấp trong ngành quảng cáo, đó là có những KOL rất “kén” sản phẩm và thương hiệu, chỉ có sản phẩm chất lượng từ thương hiệu uy tín, kèm với các giấy chứng nhận tin cậy, hợp lệ thì họ mới nhận quảng bá, tất nhiên với mức giá cao. Điều này là sự thận trọng cần thiết để bảo vệ danh tiếng cho mình, cũng như bảo vệ người tiêu dùng, fan hâm mộ. Đó là trường hợp của những nghệ sĩ nghiêm túc như Quyền Linh, Hoài Linh, Việt Hương, Mỹ Tâm...
Nhưng con số này không quá nhiều, có một bộ phận đông đúc các KOL, cứ hễ “thuận mua vừa bán” là họ chấp nhận quảng bá. Một điều đáng nói khác là lời lẽ trong bài viết quảng bá sản phẩm trên facebook cá nhân của họ, hầu hết là do phía nhãn hàng viết, sắp đặt. Bao giờ cũng là đã trải nghiệm, đã thử, có hiệu quả, tin cậy…vv. Để rồi, tin tưởng vào những hiệu quả, công dụng của sản phẩm mà “thần tượng” giới thiệu, nhiều người tiêu dùng đã lãnh quả đắng, xảy ra hậu quả, các “sao” chỉ vài lời xin lỗi hay im lặng, làm ngơ.
Trong khi đó, nếu xét về mặt trách nhiệm, không thể nói những người nổi tiếng ấy vô can. Thậm chí, cần đặt ra vấn đề, có phải những nghệ sĩ nói trên có hành vi “tiếp tay” cho sai phạm của doanh nghiệp? Điều này là có thể, nếu thực sự họ biết, hay nghi ngờ chất lượng sản phẩm, mà vì tiền vẫn chấp nhận nhắm mắt làm ngơ, giới thiệu cho người tiêu dùng.
Dù gì đi nữa, đã đến lúc người tiêu dùng, người hâm mộ cần tỉnh táo hơn với các chiêu trò quảng cáo, đừng xem mọi lời của công chúng nói là chuẩn mực của tiêu dùng. Cạnh đó, người tiêu dùng cũng chờ đợi ở cơ quan chức năng mạnh tay dẹp “loạn quảng cáo”, làm rõ trách nhiệm của những người vì tiền mà sẵn sàng bán rẻ danh tiếng, gây hại cho những người đã tin tưởng mình.