Là một phần của thành phố nổi tiếng về du lịch, nhưng Cẩm Kim vẫn là một xã đảo còn lắm nghèo khó, cũng bởi vì cách trở đò ngang. Lắng nghe nỗi thống khổ, vất vả của người dân Cẩm Kim mỗi khi muốn sang “đất liền”, không khỏi chạnh lòng xót xa và cả sự thán phục kiên cường của người dân nơi đây.
Đò ngang cách trở
Lúc chúng tôi về Cẩm Kim là buổi chiều trời mưa dông. “Ốc đảo” nơi phố Hội nhập nhoạng trong những cơn mưa chợt thấy đượm buồn. Xót xa khi chứng kiến những “phận đời” chen chúc nhau lên đò ngang cũ rích. Chuyến đò này xuất bến thì chuyến đò khác lại trở về. Đò này chưa kịp cập bến và trả hết khách thì đò khác đã đến lượt chen vào bến cảng để chở khách.
Cả bến đò có khoảng 2 - 3 thuyền vận tải khách nên chỉ cần gần 20 phút chờ đợi, chúng tôi đã sang xã đảo một cách an toàn. Tuy thế, hành trình cũng không thoải mái gì bởi chúng tôi phải đứng trong đống hỗn độn xe máy và người chen chật như nêm.
Đò vừa cập bến Cẩm Kim, từng đoàn người cùng xe cộ đã chen lấn, xô đẩy lên xuống bờ bằng mỗi tấm ván gỗ mỏng manh làm “đường ray”. Chờ đợi cho đến khi tất cả các hành khách đi lên hết thì chúng tôi mới được lên bờ. Thấy chúng tôi có vẻ ngại ngùng, không dám tự tin “phi” xe máy, một anh phụ đò đã dắt hộ. Dắt xong, anh bảo: “Hình như em là người nơi khác đến đây”.
Một người dân bên cạnh trò chuyện với vẻ ái ngại: “Khách ở xa đến chỉ cần đi 1 - 2 lần sẽ quen thôi. Mà không quen cũng phải quen. Còn những người dân như chúng tôi đây, cái cảnh tượng chậm trễ, chờ chực, ách tắc và cả thiếu an toàn là chuyện thường ngày, không còn lạ gì ở bến phà này”. Theo người dân đi trên thuyền cho biết, mỗi ngày, có khoảng 50 lượt đò qua lại. Mỗi lượt đò chở tối đa 40 người, kèm theo đó là 20 chiếc xe (không phân biệt xe máy hay xe đạp), chưa kể gánh gồng, đồ đạc… mang theo. Giá vé dao động từ 2.000- 5.000 đồng/người và xe/lượt.
Điều nguy hiểm nhìn thấy là đò có rất ít phao cứu sinh, phần lớn đều trong tình trạng cũ. Ngoài ra, chỉ cần nhìn mắt thường cũng thấy mỗi chuyến đò đều chở quá nặng, đếm sơ sơ có 13 xe máy và chở hơn 30 người cùng đồ đạc.
Hay những trở ngại và bất cập trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Do con đò chỉ hoạt động giờ cố định nên nhiều lúc người dân nơi đây đi khám chữa bệnh hay bị đau ốm thất thường muốn chuyển qua bệnh viện tuyến cao hơn phải chờ đợi, chầu chực sang ngày hôm sau mới đi nên có người đau đột ngột trong đêm khuya cũng đành “bó tay”. Điều này đã gây nên những tâm lý lo lắng, bất an, nhất là đối với những người già yếu, trẻ em.
Cảnh chen lấn, đông đúc ở bến đò. |
“Sự học” còn lắm gian nan…
Vào mùa lũ, xã đảo hầu như bị cô lập với bên ngoài. Các em học sinh phải thức dậy từ rất sớm để ra bến sông chờ đợi đến lượt mình được qua sông đi học. Nhiều người dân phàn nàn vì khi đến mùa nước lớn, nhu cầu đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều lái thuyền sợ các em trễ buổi học nên thương tình đã phải chở quá số lượng cho phép.
Từ bến đò Cẩm Kim vào đến các ngôi trường trong xã, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của những học sinh nghèo nơi đây. Một buổi đi học, một buổi các em phải phụ giúp ba mẹ những công việc liên quan đến đồng áng, nghề cá và những thứ lặt vặt khác. Các em đều có một nước da ngăm ngăm đen của con nhà làm nghề sông, nghề biển và đôi mắt đăm đắm buồn cho một đời long đong trong cái nghèo dường như đã được dự báo trước.
Ghé vào một ngôi trường, ngồi tiếp chuyện với một cô bán hàng nước, chị cho biết nỗi khổ, sự thất học hay phải bỏ dở giữa chừng đối với người dân nơi đây có lẽ là chuyện bình thường từ lâu lắm rồi. Chị cũng cho biết, từ khi du lịch bên phố cổ mở rộng qua đây, đời sống của người dân cũng đã có chút biến chuyển, nhưng không nhiều lắm. Quanh đi quẩn lại, khách du lịch cũng chỉ vào thăm làng mộc Kim Bồng, đạp xe lanh quanh rồi lại qua đò về lại.
Chính vì thế, mang tiếng là một phần của thành phố du lịch, tiềm năng cũng không đến nỗi nào nhưng đời sống người dân vẫn long đong, vất vả. Vất vả vậy nhưng theo cô giáo trẻ này thì hầu như tất cả giáo viên đều luôn muốn hết sức để đem cái chữ đến vùng khó khăn này. Ngoài ra, rất nhiều em thuộc gia đình khó khăn.
Nhiều vụ tử nạn khi đi qua những chuyến đò ngang này vẫn còn đó, để lại nỗi đau và bài học kinh nghiệm về sự quá tải, thiếu an toàn. Trước đó, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân Cẩm Kim cũng như thành phố Hội An đã làm đơn kiến nghị gửi lên cấp trên về việc xây dựng một chiếc cầu bắc qua sông Hoài để người dân nơi đây sớm được thông thương với “thế giới bên ngoài”, sớm thoát khỏi cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn và tù túng…
Cuộc sống của người dân nơi đây đang bị "cô lập". |
Cuộc sống của hàng ngàn người dân nơi đây đang bị “cô lập” từng ngày, nhất là mùa mưa bão đang cận kề. Trong khi chờ đợi dự án xây cầu được cấp trên chấp thuận thì con đò tập tành này vẫn “lặng lẽ” chở người qua sông mà không một lời “than vãn”. Rời xã Cẩm Kim khi cơn mưa dông lại bắt đầu nặng hạt. Những em học sinh đang hối hả bước vào năm học mới.
Mơ về một chiếc cầu vượt sông Hoài là ước mơ bao đời nay của người dân xã Cẩm Kim. Họ chỉ hy vọng rồi mai đây, ước mơ của người dân về một cây cầu dân sinh nối Cẩm Kim với phố cổ Hội An sẽ được thành hiện thực để phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân.