Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, công thần Thoại Ngọc hầu không chỉ có ơn với dân, với nước qua việc khai mở những dòng kênh Thoại hà, Vĩnh Tế giúp ích cho kinh tế, mà cái khoản chính trị, ông cũng đóng góp không nhỏ. Ấy mà khi về với tiên tổ, hẳn hồn người quá cố ngậm ngùi cay đắng cho cái án bỗng dưng buộc mình.
Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, ở đoạn “Châu Đốc phong cảnh thi” có câu:
Vui xem Châu Đốc cảnh thêm xinh,
Nhớ thuở Thoại hầu trấn Vĩnh Thanh.
Ấy, Thoại hầu được nói tới ở đây, chính là Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại.
Ra công phục vụ vương triều
Chính quán của Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), được Địa chí An Giang ghi là “ông quê quán huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) - sinh ở làng Tân Thái (quê nội), nay là phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng”. Tên thật của ông, được Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng cho hay là Thụy, nhưng do kỵ húy thời Nguyễn mà đổi thành Thoại.
Nghiên cứu trong tập san Sử Địa số 17-18 năm 1970, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu cho hay, cha Nguyễn Văn Thoại là Nguyễn Văn Lượng, làm Từ thừa trông coi đền miếu, mẹ là Nguyễn Thị Tuyết. Sau cả gia đình di cư vào Nam, ngụ tại làng Thái Bình bên sông Cổ Chiên.
Sử nhà Nguyễn bắt đầu ghi chép về sự xuất hiện của Nguyễn Văn Thoại trong công cuộc trung hưng dòng họ đất Gia Miêu ngoại trang, là vào năm Đinh Dậu (1777). Năm ấy, là lúc chàng trai trẻ đầu quân dưới trướng Nguyễn Phúc Ánh.
Chúa Phúc Ánh bấy giờ, tuổi đời 16, còn Thoại 17 tuổi ta. Từ đây, bắt đầu một quãng đời mà như Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang ghi là “xông lướt ngoài mũi tên lượn sóng và chịu đói khát trong những ngày cực khổ nạn nhất bên cạnh Nguyễn Phúc Ánh”.
Lăng Thoại Ngọc hầu |
Cái buổi lên núi đao, xuống biển lửa ấy, Thoại từng làm Khâm sai Cai cơ, Phó trưởng hiệu ở Trung chi doanh tiền quân, Khâm sai Thống binh Cai cơ ở hiệu Tiền Du doanh Chấn Vũ, giữ đồn Long Hưng.
Lại từng sang Xiêm năm Nhâm Tý (1792); đánh giặc Bồ Đà ở Lang Dữ thuộc Hòn Cau, chém được 30 tên, lấy được thuyền, được chúa thưởng cho áo chiến và 200 quan tiền. Năm Mậu Ngọ (1798) được cử đi phủ dụ Vạn Tượng và dân Man cùng đánh Tây Sơn.
Khi Gia Long nhất thống được sơn hà, là một trong những công thần khai mở triều đại, Nguyễn Văn Thoại lại đem tài sức phò vua buổi thái bình. Trong Đại Việt tập chí số 29, ra ngày 16/12/1943, Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh tóm lược việc của ông lúc thái bình là “Thời trung hưng, lại lãnh Lạng Sơn, Định Tường, Vĩnh Thanh trấn thủ”.
Thoại Ngọc hầu còn là người được giao trọng trách bảo hộ Chân Lạp. Ghi chép trong Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng cho thấy, ông làm bảo hộ đất này thời gian 1820 – 1829. Tức là kế tục Lê Văn Duyệt cho đến khi mất, thế nên trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca mới có câu:
Ngài xưa bảo hộ Cao Mên,
Ghe phen án thủ giữ bền an biên.
Đinh Sửu (1817) vua cho ông làm trấn thủ ở Vĩnh Thanh, ông lại làm lợi cho dân, cho nước khi khơi cảng Đông Xuyên, kênh Vĩnh Tế. Đời sau, Nguyễn Liên Phong tán rằng:
Đào kinh Lạc Dục Long Xuyên,
Giáp vô Rạch Giá bia truyền Thoại Sơn.
Đào kinh Vĩnh Tế lại hơn,
Danh chồng danh vợ không sờn cả hai.
Thoại Sơn thì đặt tên ngài,
Bà là tên Tế, lâu dài với sông.
Sông tên bà núi tên ông,
Thoại Sơn, Vĩnh Tế song song miên trường.
Án oan hậu tử
Năm Kỷ Sửu (1829), tuổi cao, sức yếu, Thoại Ngọc hầu rồi cũng đến lúc về với tiên tổ. Công lao phò vua dựng nước, kiến thiết cơ nghiệp nhà chúa của ông, được sử nhà Nguyễn ghi nhận là “Thụy cầm cương giàn ngựa đi theo hầu vua, nên được tri ngộ, lại bôn ba con đường thượng đạo, qua lại các nước Xiêm, Lào, Lạp man, thực là có công”.
Công nghiệp ở đời của ông, lớn lao lắm, vậy mà hồn về nơi chín suối, nhưng dư âm oan khuất cõi phong trần vẫn chưa yên. Liệt truyện có chép: “Sau khi Thụy chết, rồi Hình tào là Vũ Du trích phát ra nhiều khoản về sinh việc nhiễu dân.
Sai giao xuống bộ Hình bản xử. Khi bản án dâng lên, xuống chiếu truy giáng 5 phẩm hàm, thu lại chức tập ấm của con, lại tịch thu cả gia sản truy đổi lại dân Phiên đã cấp cho trước. Du rồi sau vì dò xét không đúng sự thực phải cách chức, phát ra Cam Lộ để hiệu lực”.
Sự thể tường tận vụ án oan của vị công thần này, được nghiên cứu của Nguyễn Văn Hầu trong Thoại Ngọc hầu và cuộc khai phá miền Hậu Giang cho hay là sau khi tên Du tố cáo, vua Minh Mạng cho mở cuộc điều tra.
Dẫu Thoại Ngọc hầu đã mất, vẫn bị giám xuống hàng ngũ phẩm. Con ông là Lâm thì bị cách đoạt hết ấm chức. Gia sản của ông lúc sinh thời bị tịch thu để đem chia cho dân Miên. Đất của ông ở huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn bị phát mãi… Nghĩa là ông từ công thần có công trở thành kẻ tội đồ.
Kênh Vĩnh Tế năm 1929 |
Ấy nhưng sau này triều đình làm sáng tỏ ra được thực chất đây là một vụ vu oan giá họa, thì người vô tội đã không còn cơ hội mà cải chính khi nằm sâu ba tấc đất rồi. Tên Du kia dù bị đày đi Cam Lộ, Quảng Trị, nhưng nỗi oan của ông vẫn chưa được bù đắp, danh phẩm chưa được phục hồi.
Con dòng thứ của Thoại Ngọc hầu là Nguyễn Văn Minh phải sống cuộc đời thường dân; còn Lâm thì đã bị mất hết chức tước tập ấm. Vậy là, án oan sáng tỏ, nhưng vua Minh Mạng lại không có hành động cụ thể gì để phục hồi lại danh dự bị kẻ xấu làm hoen ố của Thoại Ngọc hầu.
Uất ức cháu con
Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh khi nhận xét về vụ án oan của công thần họ Nguyễn trên Đại Việt tập chí, số 29, đã chua xót mà rằng “Đọc đoạn cuối cùng trong tiểu sử (ghi trong Đại Nam chính biên liệt truyện – người dẫn chú), chúng ta bắt đầu đau lòng trông thấy vết lọ mà kẻ nha thuộc bôi lên danh dự của Ngài.
Chúng ta bắt ngậm ngùi hồi tưởng lại công nghiệp vĩ đại của Ngài, mà khi quá cố, lại kẻ tiểu nhơn cáo gian, không được đấng chí tôn soi xét; rồi tự hỏi: “Oan hồn Ngài có ngậm tủi tự chốn tuyền đài chăng?”.
Người thì đã mất, chỉ khổ cho cháu con nơi trần gian phải ngậm đắng nuốt cay vì án oan của cha ông. Sau này, nghĩa tế của Thoại Ngọc hầu là Võ Vĩnh Lộc (Thoại Ngọc hầu không có con gái, đã nhận con nuôi là Thị Nghĩa. Sau Nghĩa lấy Lộc), vì mối căm hồn chất chứa với triều đình đã cùng vợ mình tham gia vụ biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi. Lộc làm Hậu quân dưới trướng Khôi. Dĩ nhiên là sau này vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi bị dẹp. Lộc và vợ phải chịu tội làm loạn.
Theo tờ tâu của bộ Hình sau khi tra xét, thì “Thị Nghĩa là vợ của Vĩnh Lộc. Cứ theo lời khai của con ông Văn Thoại đã mất tên là Nguyễn Văn Lâm, thì năm xưa cố Nguyễn Văn Thoại từng bảo dưỡng Thị Nghĩa, nhưng Thị Nghĩa vốn không phải là con của Văn Thoại sinh ra.
Trước kia tên nghịch Lộc có dẫn Thị Nghĩa đem vào trong thành. Các thứ lớp, sự tình kính trình lên đầy đủ”. Tờ trình này không cho biết thêm gì về hậu quả mà Lộc và Thị Nghĩa phải nhận. Nhưng việc triều đình chém cả ngàn người vụ loạn Khôi, và Lộc thì giữ Hậu quân của Khôi, thì tội chẳng nhỏ.
Dẫu bị triều đình làm nên sự oan khuất là thế, nhưng với hậu thế, công lao của ông thì bia đá có mòn, chứ lòng ngưỡng vọng của dân thì không có phai, như trong Người Việt đất Việt có ngâm ngợi rằng:
Hùng vĩ Lăng ông Thoại Ngọc hầu,
Ngàn xưa coi lại nét thanh cao.
Phò vua, trải mật bao gian khổ,
Công nghiệp còn ghi dấu cựu trào...