Hỏi: Do chồng tôi không có khả năng có con nên chúng tôi quyết định lựa chọn có con chung bằng phương pháp khoa học. Sau khi việc làm thụ tinh nhân tạo thành công, vợ chồng tôi chuyển đến nơi ở mới. Sau thời gian thai kỳ khó khăn, vợ chồng tôi vui mừng chào đón 2 bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Tại nơi ở mới, không ai biết chuyện riêng của gia đình tôi nên cuộc sống của chúng tôi khá thoải mái, dễ chịu.
Nhưng thật oái oăm, hai con tôi càng lớn càng có nét giống một người hàng xóm. Không hiểu sao người hàng xóm này biết chuyện các con tôi không phải giọt máu của chồng tôi nên anh ta lân la đặt vấn đề đòi nhận các con tôi chỉ vì trông chúng rất giống anh ta.
Do vợ chồng tôi xua đuổi, không chấp nhận nên anh ta dọa sẽ kiện ra tòa để đòi con. Tôi lo lắng quá, nhỡ đám trẻ là giọt máu của anh ta thật thì chẳng lẽ chồng tôi mất quyền làm cha đẻ hay sao? Chúng tôi phải làm sao để bảo vệ các con mình?
Luật sư trả lời: Về những băn khoăn, vướng mắc trong tình huống của vợ chồng chị, tại Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có quy định như sau:
“1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
2. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.
3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
4. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này.”
Trường hợp của vợ chồng anh sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể điều 88 như sau: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”
Như vậy, hai bé trai song sinh con của vợ chồng chị ra đời nhờ phương pháp khoa học thụ tinh nhân tạo, được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên được pháp luật xác định là con chung của hai vợ chồng anh chị.
Điều anh chị băn khoăn, lo sợ nhất hiện nay là nhỡ người kia cố tình kiện ra tòa đòi con và giả sử các con của anh chị đúng là giọt máu của người đàn ông kia thì pháp luật phân xử ra sao, liệu chồng chị có mất quyền làm cha đẻ hay không? Vấn đề này tại khoản 3 điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định rõ: “Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.”
Vậy nên anh chị có thể hoàn toàn yên tâm, trong mọi trường hợp quyền làm cha, mẹ của vợ chồng anh chị đối với các con là duy nhất và luôn được pháp luật bảo đảm.