Sự xuất hiện vụ thu hồi xe khổng lồ là một tiếng chuông cảnh báo về kỹ thuật ôtô. Trong chiến dịch thu hồi này có lẽ sự quan tâm nhiều hơn cả rơi vào lĩnh vực "òa ga" của động cơ.
Các nhà thiết kế đang xem xét lại toàn bộ vấn đề "òa ga" và chắc chắn sẽ đưa ra nhiều dự báo về nguyên nhân. Một số ý kiến cho rằng đây là một lĩnh vực liên quan tới phần mềm cài đặt trong các bộ điều khiển. Hãy tạm gác các nguyên nhân đó lại và dành một chút ít suy tư tổng quát.
Thế kỷ 21 đã đem lại cho con người nhiều tiến bộ khoa học, sự ra đời của các quy định ngặt nghèo về tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, là thánh thức lớn về công nghệ của các nhà sản xuất ôtô. Trong bối cảnh đó, sự ra đời và chuẩn bị cho việc thực thi tiêu chuẩn khí xả EURO 5 là một khó khăn không nhỏ.
Hướng đi nào có thể thực thi được hay phải chuyển sang:
- Sử dụng các nguồn động lực kiểu "lai",
- Sử dụng nguồn năng lượng khác với truyền thống, chẳng hạn sử dụng năng lượng từ nước, ....
Việc sử dụng các nguồn năng lượng khác với truyền thống sẽ dẫn đến thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống phát và truyền năng lượng tới bánh xe. Trước mắt các nhà chế tạo quan tâm hơn là sử dụng các nguồn năng lượng "lai", và gần hơn cả là nguồn năng lượng "lai" kiểu động cơ nhiệt truyền thống với động cơ điện (nhiệt – điện). Mặc dù phô trương khá nhiều bằng quảng cáo song trong giai đoạn gần đây, động cơ "lai" loại này chưa đem lại hiệu quả thực sự, chắc hẳn các nhà sản xuất biết rất rõ điều đó và đều đi đến giải pháp cần tiết kiệm nhiên liệu tối đa cho động cơ nhiệt đang sử dụng trên ôtô. Nếu động cơ nhiệt tiết kiệm được nhiên liệu thì mới có hy vọng đến sử dụng động cơ "lai" nhiệt – điện có hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường cao.
Cũng cần làm rõ thêm với các loại động cơ nhiệt truyền thống, việc "òa ga" gắn liền với chế độ điều chỉnh tiết kiệm nhiên liệu, song trên mỗi loại động cơ cổ điển đều có các cơ cấu hạn chế số vòng quay. Cơ cấu hạn chế số vòng quay có thể là loại:
- Hạn chế số số vòng quay tối đa gọi là hạn chế đơn chế,
- Hay hạn chế số vòng quay ở nhiều chế độ gọi là hạn chế đa chế theo tải.
Với các loại động cơ ngày nay, hạn chế số vòng quay được đặt trong các phần mềm điều khiển động cơ cùng với thiết bị chân ga điện tử (chân ga không trực tiếp điều khiển chế độ nhiên liệu, mà chỉ là một tín hiệu quan trọng để điều khiển chế độ nhiên liệu). Do vậy khó có thể trả lời rằng các chương trình điều khiển chế độ làm việc của động cơ được quan tâm và bố trí điều khiển quản lý chế độ tốc độ động cơ và loại trừ khả năng gây nên "òa ga". Vấn đề này chỉ các nhà chế tạo mới làm rõ được. Cũng cần hiểu thêm rằng: chương trình điều khiển càng phức tạp thì giá thành ôtô càng cao, sác xuất lỗi càng lớn và cuộc đua chiếm lĩnh thị trường sẽ chỉ chấp nhận xe có giá thành thấp hơn. Đó chỉ là lời bàn cho hiện tượng "òa ga" của một số ôtô ngày nay.
Còn hiện tượng "òa ga" trước đây xảy ra như thế nào?
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, xe IFA vừa mới sửa xong, cân chỉnh lại bơm cao áp, khởi động động cơ yên ả, xe chạy hiền lành, nhưng đôi lúc tăng ga mày bất ngờ máy òa lên, khói đen mịt mù, chủ thợ được ngày khiếp vía. Mọi người bảo rằng đó tại bộ điều tốc, không có khả năng điều tốc ở tốc độ tối đa. Sửa lại bộ điều tốc, máy lại chạy bốc và tròn vòng tua. "Òa ga" như vậy thuộc khu vực "òa ga" khi tăng ga đột biến.
Trên xe IFA chuyển đóng sang chở khách, nhấn ga xe khỏe máy bốc, nhưng hễ giảm chân ga chuyển sang chân phanh, máy lại rồ lên, không tài nào ngăn cản, vì thế trên động cơ IFA mới có bộ phận đóng bướm khí xả đề phòng "òa ga". Hãy bỏ qua chuyện đó, vì đấy là chuyện "òa ga" giảm tốc của động cơ diesel.
Lâu rồi người Việt quen sử dụng xe LADA chạy chế hòa khí một họng hút, bằng cách thay giclơ xăng chính cũng xảy ra "òa ga", may thay xe chỉ xảy ra "òa ga" với xe cũ, lò xo của bướm ga bị kẹt và tốc độ xe không cao, phanh mạnh có thể giảm được tốc độ rồi tắt ngay khóa điện.
Vào những năm của thập kỷ 80, Việt Nam sử dụng tràn ngập xe máy đã qua sử dụng, có xe trông bề ngoài còn mới, có xe đã chạy xấp xỉ 10 vạn km. Xe để bãi lâu ngày, nay mới được thu gom chuyển về nước ta. Trong dòng kinh tế lúc đó muốn có chiếc xe máy phải bỏ ra một hai cây vàng. Xe "second hand" chạy được cái tốn xăng. Các bác thợ với bàn tay vàng hoạt động không mệt mỏi trên khắp phố phường của các thành phố lớn.
Họ phải xử lý các chiếc xe "second hand" nuốt xăng không biết chán. Chuyện thay kim cối của chế hòa khí bây giờ là bình thường, song lúc đó ai cũng thích đồ "zin", chủ xe không mấy người cho thay đồ "nội địa", thế là đành phải giải quyết bằng cách vít đường xăng chính bằng sợi dây đồng nhỏ ở giclơ chính. Cách giải quyết ấy cũng hạn chế được khá nhiều xe, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Xử lý bịt nhiên liệu bằng sợi dây đồng nhỏ với đường kính khác nhau, phải làm nhiều lần, thay sao cho vừa đủ khắc phục sự mòn của cả hệ thống trộn hòa nhiên liệu. Chỉ cần dùng dây lớn một chút lập tức nổ được nhưng khi giảm ga máy òa tưởng vỡ máy. Bịt nhiên liệu có thể làm "òa ga", đó là kinh nghiệm của các bác thợ vỉa hè, cũng là chuyện "òa ga" khó xử trên xe máy.
Cũng vào những năm đó, mua được chiếc xe mới giá trị khoảng 25 - 30 triệu đồng, (5 đến 6 cây vàng). Vừa mang xe về nhà, mọi người trầm trồ ngắm nghía: "một đống của chứ ít à". Anh con trai mới lớn, nhấc chiếc xe chạy thử xem sao. Nhấn đề, rồ máy phóng ra đường, anh chàng bám sát chiếc xe tải đi trước. Ôtô giảm tốc độ, chàng thanh niên đi xe máy giảm ga hy vọng giảm tốc độ. Tốc độ không giảm được mà máy lại bốc lên tốc độ không lường và lao thẳng vào đuôi xe tải, người bị thương và xe bị nát, ôi thương thay sự nguy hiểm của chế độ "òa ga" khi muốn giảm tốc.
Câu chuyện "oà ga" tưởng đã cũ, khi túi tiền người sử dụng xe bị hạn chế, buộc phải tiết kiệm nhiên liệu, thế mà sang thế kỷ 21, lại xảy ra ngay ở một hãng sản xuất ôtô có tên tuổi trên thế giới. Lý giải thế nào còn chờ nhà sản xuất công bố, nhưng với việc thu hồi vài triệu chiếc xe thì cũng đủ biết tầm quan trọng thế nào. Phải chăng sức ép về tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi truờng cộng thêm sự thiếu kinh nghiệm sử dụng đã làm nên hiện tượng "òa ga" ngày nay.
Sơn Hà