Hôm qua (4/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) trước Quốc hội.
Dự thảo LTĐ gồm 4 chương với 35 điều, qui định những yêu cầu cao và nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung của cả nước để giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý đô thị, môi trường, giao thông ở Thủ đô; dành cho Thủ đô chính sách ưu đãi về tài chính để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn của Thủ đô, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính; cho phép UBND TP xây dựng, trình HĐND TP ban hành VBQPPL để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; đưa ra một số qui định về tạo lập bộ mặt không giam Thủ đô; qui định nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô...
Quy định nghiêm ngặt hơn
Bên cạnh đó cũng qui định nghiêm ngặt hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước theo tinh thần “Cả nước vì Thủ đô và Thủ đô vì cả nước”. Song song với việc quy định đặc thù cho Thủ đô và trao thêm thẩm quyền cho chính quyền Thủ đô, cần quy định cơ chế giám sát chặt chẽ việc việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, việc sử dụng thẩm quyền đó từ phía các cơ quan Trung ương, cũng như từ phía người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
![]() |
Các đại biểu ngồi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày dự thảo Luật Thủ Đô |
Các điều khoản quy định trong Luật Thủ đô cần kèm theo điều kiện đảm bảo thi hành trên thực tế, đặc biệt là việc phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan Trung ương, chính quyền thành phố Hà Nội và cơ chế huy động nguồn lực thích hợp.
Tuy nhiên, Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, quá trình xây dựng dự thảo LTĐ vẫn gặp một số vấn đề “nổi cộm”, do còn những ý kiến chưa đồng thuận, như vấn đề thu phí lưu thông, quy định mức thu 02 loại phí cao hơn và áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành (khoản 3 Điều 23, khoản 3 Điều 26 và khoản 2 Điều 25), về quản lý dân cư (Điều 24), về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 27).
Tại báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày, UBPL tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Tuy không tán thành quy định giao cho “UBND TP.Hà Nội xây dựng, trình HĐND TP.Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Chương II của Luật này mà chưa được pháp luật quy định” (khoản 1 Điều 27); hay quy định về “công dân danh dự Thủ đô” (khoản 1 Điều 7) v.v…
Nhưng UBPL nhận thấy, Hà Nội cần phải được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng Thủ đô của cả nước. Trách nhiệm này không những thuộc về chính quyền Hà Nội mà còn của Trung ương. Do đó, cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.
UBPL cũng cho rằng, cần cân nhắc việc có nên quy định quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và không thống nhất với các luật khác hay không để bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những quy định đặc thù chỉ nên đặt ra khi chứng minh được tính hợp lý, hiệu quả và khả thi.
Đồng thời, cũng chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách có tính ổn định lâu dài, còn đối với những cơ chế, chính sách chỉ cần triển khai thực hiện trong một thời gian nhất định thì không nên điều chỉnh trong Luật mà nên để quy định trong các văn bản thường niên của Quốc hội.
Song UBPL nhất trí cần sớm có giải pháp khả thi để khắc phục, nhưng trước hết và chủ yếu là cần chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật để giải quyết một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua, chứ không phải là sửa đổi thể chế dưới hình thức ban hành cơ chế, chính sách đặc thù.